Bị cáo giả câm, tòa phải làm sao?

Ngày 24-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ Lê Minh Triệu (27 tuổi) và Võ Hoàng Mai (22 tuổi, cùng ngụ Bình Dương) phạm tội giết người và cướp tài sản. Điều đặc biệt hiếm xảy ra là suốt từ đầu đến cuối hai bị cáo đều im lặng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào của HĐXX.

Vậy gặp trường hợp “khó đỡ” này, tòa án phải hành xử như thế nào để vừa đúng luật vừa hợp lý?

Giết người tại nghĩa trang

Như đã phản ánh xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt Triệu án tử hình, Mai án chung thân về hai tội. Sau đó gia đình người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo hồ sơ, Triệu và Mai không có việc làm ổn định, đều nghiện ma túy. Thiếu tiền tiêu xài và mua ma túy, cả hai bàn nhau cướp tài sản của người yêu Triệu là chị N. Chiều 28-12-2014, Triệu và Mai tới quán cà phê nơi chị N. làm việc rủ đi chơi. Cả hai dẫn chị N. tới một nghĩa trang thuộc khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một rồi dùng dao sát hại chị N. Cả hai lấy một điện thoại di động, một nhẫn vàng, một đôi bông tai và 630.000 đồng rồi bán vàng và điện thoại để mua ma túy sử dụng. Triệu và Mai đã vứt xác chị N. xuống một huyệt mộ lộ thiên (đã được cải táng). Ngày 3-1-2015, xảy ra đám cháy bãi cỏ rộng trong khu nghĩa trang. Khi dập lửa, mọi người mới phát hiện thi thể chị N. 

Hai bị cáo Triệu và Mai hoàn toàn im lặng tại phiên tòa ngày 22-5. Ảnh: H.YẾN

Tại phiên tòa phúc thẩm thấy hai bị cáo im lặng đại diện VKS và luật sư đề nghị hoãn xử và được tòa chấp nhận. HĐXX quyết định hoãn xử để đưa bị cáo Triệu đi giám định tâm thần, đồng thời để các luật sư có thời gian tiếp cận, tìm hiểu thêm về vụ án.

Giả câm giả điếc, tòa vẫn xử được

Theo luật sư Phan Ngọc Nhàn (nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), trong vụ án này việc HĐXX hoãn phiên tòa là thể hiện sự thận trọng cần thiết. Nó nhằm đảm bảo quyền được trình bày, được tự bào chữa của bị cáo và đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử. “Tuy nhiên, nếu tòa không hoãn mà tiếp tục xét xử thì cũng không sai. Bị cáo giả câm, im lặng không có nghĩa là không thể xét xử”.

Luật sư Nhàn phân tích, khoản 4 Điều 209 BLTTHS (về việc xét hỏi bị cáo tại tòa) quy định: Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Như vậy HĐXX có thể căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án để xét xử. Đặc biệt vụ án này đã được TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm nên HĐXX phúc thẩm còn có thể công bố lời khai của bị cáo tại biên bản phiên tòa sơ thẩm để xét xử. Quá trình tranh tụng giữa luật sư và kiểm sát viên sẽ diễn ra bình thường mà không bị hạn chế bởi việc im lặng của bị cáo tại tòa.

Một thẩm phán chuyên xử hình sự tại TAND TP.HCM cho rằng pháp luật hình sự cho phép bị can, bị cáo có quyền im lặng không nói gì. Điều 10 BLTTHS quy định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Tại BLHS 2015 quyền im lặng được thể hiện qua các quy định tại Điều 58, 59, 60 thuộc Chương VI. Tức là nếu thấy không cần thiết nói thì bị cáo không cần phải nói.

Thế nhưng việc thực hiện quyền im lặng phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm vì nếu không sẽ gây bất lợi cho chính bị can, bị cáo. Việc trả lời câu hỏi, trình bày, tự bào chữa tại phiên tòa là các quyền pháp luật quy định để cho bị cáo tự bảo vệ mình. Nhưng nếu có quyền trình bày mà bị cáo cố ý không sử dụng thì lại tạo bất lợi, bị cáo phải gánh chịu. Chẳng hạn nếu bị cáo không khai báo các tình tiết sự việc có thể bị xem xét là “ngoan cố”, “không thành khẩn” và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi tòa tuyên án.

 Vụ tương tự

Ngày 21-1-2015, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử bị cáo Võ Tuấn Anh (38 tuổi, kỹ sư xây dựng), bị truy tố về tội giết người. Nhưng tại phiên tòa bị cáo bất ngờ ra dấu bị… câm và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào ngay từ phần kiểm tra căn cước tại phiên xử. Việc này khiến người dự khán hết sức bất ngờ vì trước phiên xử, bị cáo nghe nói bình thường. Để thận trọng thì tòa cũng tuyên hoãn xử để đảm bảo quyền trình bày của bị cáo.

Tháng 11-2007, TAND TP.HCM xét xử vụ bị cáo Phan Thị Yên Phương phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Tại tòa bị cáo Phương cũng bỗng dưng bị câm không chịu nói gì. Tuy nhiên, tòa vẫn xét xử và cuối cùng vẫn tuyên phạt Phương tổng cộng 30 năm tù. Sau đó Phương kháng cáo kêu oan nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới