Sáng 13-1, sau ba ngày nghị án, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trong đó có hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, 62 tuổi, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ba năm tù tội cưỡng đoạt tài sản và 10 năm tù đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt là 13 năm tù.
Bị cáo Lê Thanh Vân, 61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội khóa XV bị tuyên phạt bảy năm tù với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bị cáo Nguyễn Văn Vương, 49 tuổi cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Hai bị cáo còn lại Phạm Minh Cường (39 tuổi, Cường "Quắt", có ba tiền án) bị tuyên phạt bảy năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản và đàn em Vũ Đăng Phương (43 tuổi) bị tuyên phạt sáu năm tù cùng tội danh.
HĐXX nhận định dựa trên các lời khai, chứng cứ thu thập được, có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo đã phạm tội như VKSND tỉnh Thái Bình đã truy tố.
Trong vụ việc cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Phạm Minh Cường giữ vai trò chính, khởi xướng, Phương giữ vai trò là người thực hành, ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm.
Trong các vụ việc ký phiếu chuyển đơn, HĐXX kết luận ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã lợi dụng tư cách Đại biểu Quốc hội để ký giấy chuyển đơn nhằm can thiệp sau khi nhận lợi ích vật chất và được hứa được hưởng các lợi ích vật chất khác.
Ở vụ việc can thiệp để Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án, các bị cáo đã biết rất rõ dự án đã bị thu hồi. Tuy nhiên, sau khi được hứa chi tiền, bị cáo Vương đã bàn bạc với bị cáo Nhưỡng và Vân để chuyển đơn nhằm trục lợi. Ở vụ việc này, việc UBND tỉnh Quảng Ninh không đồng ý hủy bỏ việc thu hồi dự án là việc nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo.
Đối với mảnh đất được tặng ở Đông Anh, mặc dù là đất bất hợp pháp xét theo tình tiết, bị cáo Vương đã đưa hồ sơ đất để bị cáo Nhưỡng, Vân xem, thỏa thuận chuyển đơn. Bị cáo Nhưỡng và Vân đều xác định Vương có đất và khi hoàn thành việc sẽ được nhận đất đó. Vì vậy, VKS truy tố là có cơ sở.
Trong vụ việc gọi điện để can thiệp cho công ty Trường Sinh được sớm cấp phép ở Quảng Ninh, HĐXX nhận thấy những lời khai phù hợp với chứng cứ. Bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh (ở thời điểm đó) ngay khi được nhờ bằng miệng trong khi chưa nhận đơn, hồ sơ là không đúng quy định. Những lời khai trước đó tại tòa của bị cáo Vân là không có cơ sở.
Trong vụ việc này, ông Lê Thanh Vân là Đại Biểu quốc hội, có quyền chuyển đơn nhưng đã không thực hiện đúng luật tiếp công dân, nhận đơn của công dân. Ông Vân đã lợi dụng vai trò, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội, xuất phát từ mối quan hệ cá nhân và làm ngay phiếu chuyển đơn là để trục lợi. HĐXX nhận thấy VKSND tỉnh đã truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan sai.
Theo cáo trạng, Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc có vai trò trong năm vụ việc. Ở vụ việc thứ nhất xảy ra tại Thái Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã can thiệp để tạo điều kiện cho bị cáo Cường làm ăn thuận lợi, cưỡng đoạt tài sản của Chi nhánh Công ty sao đỏ với mức "cắt phế" 1.500 đồng/m3 cát, tương đương 1 triệu đồng một tàu.
Bị cáo Cường bán cho vợ chồng bị cáo Nhưỡng 30 ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỉ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng); rồi Cường quản lý, khai thác để vợ chồng bị cáo Nhưỡng thu tiền. Đổi lại, bị cáo Nhưỡng đã điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ Cường.
Đồng thời, bị cáo Nhưỡng đưa bị cáo Cường đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản. Từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2022, bị cáo Cường cùng đồng phạm tiếp tục cưỡng đoạt của Chi nhánh Công ty Sao đỏ tổng cộng 1,6 tỉ đồng.
Trong các vụ việc sau, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã lấy tư cách đại biểu Quốc hội, can thiệp, ký văn bản gửi Chính phủ, một số các cơ quan địa phương để giúp cho người dân, doanh nghiệp nhằm hưởng lợi. Trong đó, số tiền lớn nhất ông Lưu Bình Nhưỡng nhận là 300.000 USD từ Công ty Mạnh Đức trong dự án ở Bắc Ninh.
Còn bị cáo Lê Thanh Vân bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trong đó, ông Lê Thanh Vân liên quan đến hai vụ việc cùng ông Lưu Bình Nhưỡng tại Quảng Ninh.
Trong vụ việc của Công ty Hạ Long, do hai lần kiến nghị không được, ông Nhưỡng đã giới thiệu bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) đến tìm ông Lê Thanh Vân. Đồng ý giúp đỡ, trong tháng 6, 7, 8, 12-2020, ông Vân đã ký bốn văn bản để can thiệp. Trong vụ việc này, ông Vân được hưởng lợi một lô đất trị giá hơn 1,8 tỉ đồng ở xã Vân Nội và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất trị giá 1,95 tỉ đồng ở dự án.
Ở vụ việc còn lại, tháng 7-2023, ông Vân đã can thiệp bằng cách gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.