Như PLO đã đưa tin, Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã xác định được người đàn ông rút kiếm đe doạ, có ý định chém nữ công nhân môi trường.
Theo đó, người này là Nguyễn Thanh Bình (tên thường gọi Bình con, 53 tuổi, ngụ TP Nha Trang).
Ông Bình đã xuống xe ô tô, đi bộ lên lề đường đến khu vực công viên và bẻ hoa để tặng cho người phụ nữ đi cùng. Khi bị nữ công nhân nhắc nhở, ông Bình chửi bới, xúc phạm nữ công nhân. Sau đó, ông Bình quay lại ô tô mở cốp sau, rút kiếm đòi chém nữ công nhân. Lúc người phụ nữ đi cùng can ngăn thì ông Bình mới lên xe rời đi.
Liên quan đến hành vi của ông Bình trong trường hợp này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Huỳnh Trọng Nghĩa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hành vi bộc phát vì tính tình nóng nảy như người đàn ông nêu trên không phải hiếm gặp. Dù chưa gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của của nữ công nhân môi trường nhưng những hành vi kiểu như này cần lên án và xử lý nghiêm.
Trong bối cảnh lực lượng Công an cả nước đều ra quân trấn áp tội phạm dịp cuối năm để giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự thì hành vi mang hung khí đe doạ, uy hiếp người khác tại nơi công cộng có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khách thể của tội này là hoạt động ổn định, bình thường của xã hội được pháp luật bảo vệ. Trong đó trật tự công cộng bao gồm trật tự an ninh, trật tự an toàn xã hội và trật tự quản lý nhà nước.
An ninh an toàn là trạng thái bình yên, ổn định của xã hội, được bảo đảm bằng các biện pháp về chính trị, công cụ pháp luật... Còn trật tự an toàn xã hội là hoạt động bình thường của xã hội không bị các tác nhân tác động tới làm xáo trộn, bất ổn định. Cạnh đó, khách thể của tội này còn là trật tự quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước.
Clip lan truyền trên mạng xã hội đã ghi lại toàn bộ diễn biến hành vi của ông Bình. Ông này thực hiện hành vi tại nơi công cộng, nơi mà mọi hoạt động, sự kiện đều được pháp luật bảo vệ, đảm bảo cho nó diễn ra một cách bình thường. Nhưng hành vi của người đàn ông đã xâm phạm đến trật tự xã hội, trật tự quản lý của Nhà nước nơi công cộng. Có thái độ coi thường pháp luật.
Do đó các cơ quan chức năng tại TP Nha Trang sau khi củng cố hồ sơ, điều tra xác minh cần xử lý nghiêm để răn đe, tránh cho những trường hợp tương tự sau này phát sinh.
Mang kiếm theo người có bị xử lý
Trong vụ việc nêu trên, sau khi xảy ra cự cãi với nữ công nhân môi trường thì ông Bình đã mở cốp xe và lấy ra một thanh kiếm với ý định doạ người phụ nữ.
Theo quy định tại, khoản 4, Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2024 thì vũ khí thô sơ bao gồm: Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Đồng thời luật này cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.
Do đó, người đàn ông sử dụng kiếm trong trường hợp này được xem là sử dụng vũ khí thô sơ và là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định 144/2021 thì phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người nào mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, trường hợp cơ quan Công an mở rộng điều tra, xác minh thì nếu đủ dấu hiệu trường hợp sử dụng kiếm có thể cấu thành tội sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.