Đây là nội dung một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đan Mạch, Dailymail đưa tin.
Nghiên cứu được thực hiện trên 46.000 người, trong đó 9% người bị chèn ép nơi làm việc, bị đồng nghiệp đối xử không tốt hoặc có hành vi tiêu cực. Khoảng 1/8 người bị bạo hành nơi làm việc, bị đe dọa bằng hành động hoặc lời nói. Theo đó, hầu hết những người bị đồng nghiệp chèn ép sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 46%.
Đây là lần đầu tiên mối liên hệ giữa tình trạng bị bắt nạt chèn ép và bệnh tiểu đường type 2 được phát hiện. Theo các chuyên gia, đây có thể là kết quả của tâm lý nặng nề ảnh hưởng tới chế độ ăn uống.
Các hành vi chèn ép bao gồm cả tấn công tâm lý như phê phán chỉ trích không công bằng, cô lập, chê cười về khả năng làm việc. Những người chèn ép đa số là chủ tại chính trụ sở làm việc hơn là khách hàng hay người ngoài. Và khoảng 36% nạn nhân phải bỏ việc. Người ở tuổi trung niên từ 40-59 thường bị chèn ép nhiều hơn.
Bạo hành nơi làm việc lại bao gồm cả các hành động như xô đẩy, đấm đá, đe dọa bạo lực, thường đến từ người ngoài như khách hàng, bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nam giới dễ mắc phải tình trạng này hơn so với nữ giới. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới là 61% so với 36% ở nữ. Ngoài ra, nhân viên, bác sĩ bị tấn công bạo lực hoặc đe dọa tâm lý từ khách hàng hay bệnh nhân cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở cả hai giới lên 26%.
Theo TS Naja Rod, nhà dịch tễ học tại ĐH Copenhagen, bị chèn ép, gây hấn bởi áp lực xã hội nghiêm trọng có thể kích hoạt các phản ứng căng thẳng, dẫn đến quá trình sinh học tiếp nối gây ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hormone căng thẳng biến động có thể gây hại đến quá trình chuyển hóa, tăng nguy cơ béo phì, làm biến đổi điều hòa kích thích tố liên quan đến sự thèm ăn. Cảm xúc tiêu cực cũng có thể kích thích việc ăn uống có hại.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy các vấn đề về nghề nghiệp như công việc không ổn định, giờ làm việc kéo dài gây ảnh hưởng cho tâm sinh lý cũng đi kèm với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.