Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi và xét tuyển năm 2017, một số phụ huynh học sinh băn khoăn nếu thí sinh bị liệt một trong ba môn tổ hợp thì liệu có trượt tốt nghiệp không?
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học-cao đẳng Việt Nam, cho rằng: Việc thí sinh bị điểm liệt một trong ba môn tổ hợp sẽ không ảnh hưởng, bởi việc chấm thi sẽ phải chấm tổng thể cả bài thi đó chứ không tính riêng một môn bị liệt trong bài thi tổ hợp.
“Ví dụ trong bài thi tổ hợp ba môn lý, hóa, sinh (với thang điểm 10), nếu thí sinh bị liệt một môn chiếm 3 điểm trong tổ hợp bài thi đó thì thí sinh vẫn còn lại 7 điểm ở hai môn còn lại. Do đó, người chấm sẽ xem tổng điểm của thí sinh trong bài thi tổ hợp đó là bao nhiêu chứ không nhìn vào điểm liệt của một môn trong bài. Tuy nhiên, khi xét tuyển sinh đại học mà thí sinh xét tuyển vào đúng môn bị điểm liệt thì có thể sẽ bị trượt”.
Bên cạnh đó, một lãnh đạo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho rằng khi Bộ GD&ĐT đã công bố phương án chính thức thì chắc chắn đã có sự tính toán rất kỹ, bởi vấn đề này mang một tính chiến lược lâu dài.
Nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng khi phương án thi năm 2017 đưa ra tới 120 câu hỏi cho mỗi bài thi tổ hợp. Ảnh: PH
Theo vị lãnh đạo này, riêng đối với ba môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) thì không cần bàn thêm. Nhưng đối với bài thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH) thì cần phải tính toán. Vị lãnh đạo này cho biết trước đây khi đưa ra phương án dự thảo thì bài thi tổ hợp các môn KHTN và KHXH có 60 câu hỏi, thời gian làm bài là 90 phút.
Tuy nhiên, trong công bố chính thức của Bộ, số lượng câu hỏi tăng lên 120 câu với thời gian làm bài là 150 phút. “Với số lượng câu hỏi nhiều như vậy, lại thi trong khoảng thời gian ngắn, thí sinh sẽ chịu áp lực lớn. Bất cứ việc gì cũng có hai mặt, ở đây muốn đánh giá được chất lượng học sinh một cách tốt nhất thì phải dùng nhiều câu hỏi. Nhưng khi dùng nhiều câu hỏi dẫn đến chi phối nhiều yếu tố, thí sinh làm bài sẽ căng thẳng nhiều hơn” - vị lãnh đạo Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nói.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết việc lựa chọn phương án thi trắc nghiệm phù hợp với số lượng thí sinh đông (khoảng một triệu người) để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và căn cứ xét tuyển vào đại học.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các thầy cô trực tiếp dạy học, cấu trúc bài thi tổ hợp mỗi môn gồm 40 câu hỏi và làm trong 50 phút với số lượng và thời gian như vậy là hợp lý với mục tiêu của đề thi, vừa sức học sinh, không gây sốc. Tương tự, bài thi ngoại ngữ tăng từ 40 lên 50 câu hỏi với thời gian thi là 60 phút. Sự điều chỉnh trên phù hợp với ma trận đề thi, được tính toán theo các cấp độ phù hợp với tình hình thực tế.
Trước băn khoăn về điểm liệt cho mỗi môn thi trong bài tổ hợp là điểm 1 có phù hợp khi học sinh “đánh bừa” cũng có thể đạt 2,5 điểm, ông Trinh khẳng định mức điểm liệt như vậy là hợp lý. Trong lộ trình sắp tới, khi thay đổi sách giáo khoa mới, Bộ sẽ chuyển hóa từ tổ hợp thành tổng hợp và tích hợp. Ông Trinh khẳng định không thể có phương án thi trọn vẹn mà chỉ có phương án hợp lý và dần dần hoàn chỉnh.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khá băn khoăn về hai bài thi tổ hợp môn KHTN và KHXH. Theo ông Anh, nếu công tác làm đề thi năm tới không kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào các trường đại học, cao đẳng. Chẳng hạn một thí sinh lựa chọn tổ hợp A1 để xét tuyển, với tổ hợp này thí sinh có hai môn toán, ngoại ngữ là bắt buộc, cộng thêm môn lý thuộc tổ hợp KHTN. Với hướng thi này thí sinh phải gánh thêm hai môn hóa, sinh trong khi hai môn này không phải là thế mạnh và thí sinh không lựa chọn để xét tuyển. “Ngoài ra, nếu thí sinh có thế mạnh một trong ba môn tổ hợp sẽ dành thời gian để làm bài thi môn này nhằm xét tuyển đại học, cao đẳng và lơ là hai môn kia, cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị điểm liệt. Do vậy thí sinh cần có phương án kỹ lưỡng để việc học không bị thiên lệch” - ông Anh cảnh báo. PHONG ĐIỀN |