Bị “ép” làm nạn nhân

Theo hồ sơ ban đầu, vì muốn có tiền ăn xài cá nhân nên Nguyễn Đức Thiện nảy ý định nhờ người làm giấy tờ đứng tên một phần đất của một người quen trong nhóm làm ăn của mình. Sau đó cả hai đã lừa bán phần đất trên cho ông C. với giá hơn 1,3 tỉ đồng.

Tố giác nhau vì tư lợi

Năm 2006, Thiện bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ba năm sau, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Thiện 15 năm tù. Tòa cũng buộc Thiện phải bồi thường cho người bị hại là ông C. hơn 1,3 tỉ đồng.

Không đồng ý, Thiện kháng cáo kêu oan. Ngoài ra, ông C. cũng kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì mình không phải là nạn nhân trong vụ án hình sự này.

Ngày 18-8-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, ông C. trình bày rằng mình không hề yêu cầu bị cáo Thiện bồi thường như án sơ thẩm đã nhận định vì quá trình mua bán đất là đúng pháp luật. Do vậy, tòa án cấp sơ thẩm xác định ông là người bị hại trong vụ án là không đúng.

Mặt khác, người quen của Thiện thừa nhận thêm rằng ông và Thiện là bạn làm ăn, hùn hạp mua bán đất kiếm lời. Do phát sinh mâu thuẫn, ăn chia không sòng phẳng nên mới tố giác nhau chứ không có chuyện Thiện lừa ông.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng khi xử vắng mặt hầu hết những người liên quan, nhân chứng. Đồng thời, quá trình tranh luận chưa làm sáng tỏ được ai là người bị hại trong vụ án; nếu bị cáo phạm tội thì ai là đồng phạm với bị cáo. Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ và xác định sai tư cách người tham gia tố tụng nên cần hủy án điều tra lại.

“Tôi cũng không phải nạn nhân”

Sau khi có kết quả điều tra lại, ngày 21-11-2010, VKSND TP.HCM ra cáo trạng mới truy tố Thiện cùng về tội danh trên. Tuy nhiên, cáo trạng cho rằng diện tích đất trên trước đây thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông T. và ông N. Thiện đã dùng thủ đoạn gian dối, nhờ người đứng tên rồi đem bán. Do vậy, ông T. và ông N. mới chính là nạn nhân trong vụ án.

Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-4-2011, ông T. và ông N. đều khẳng định mình không phải là người bị hại vì diện tích đất trên được ông bán cho một người khác theo ý chí của hai ông và hai ông đã nhận đủ tiền. Còn việc người này có giao dịch như thế nào với nhóm Thiện thì ông không biết.

Trước diễn biến này, HĐXX phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, nhận hồ sơ, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm ông T. và ông N. đích thực là nạn nhân, đề nghị tòa lên lịch xét xử...

Đến ngày 30-5 vừa qua, TAND TP.HCM đã mở lại phiên xử sơ thẩm nhưng cũng đành phải tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định lại người bị hại.

Hiện nay, vụ án đang được xem xét để xác định đúng nạn nhân cũng như một số tình tiết buộc tội.

Phải chứng minh được hành vi chiếm đoạt

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự có dấu hiệu đặc trưng là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đồng thời để xử lý người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần chứng minh được người bị thiệt hại và không phụ thuộc vào người bị thiệt hại có nhìn nhận việc bị thiệt hại hay không.

Theo nội dung báo phản ánh, vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được hành vi, thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Nếu làm được việc này thì sẽ xác định người bị chiếm đoạt và đó là người bị hại trong vụ án. Lúng túng hiện nay của cơ quan tiến hành tố tụng là chưa xác định được thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của bị cáo.

Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi, thủ đoạn gian dối chiếm đoạt và từ đó không xác định được người bị hại trong vụ án thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thiện.

ThS MAI KHẮC PHÚC, giảng viên môn Luật hình sự,
ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới