Văn phòng Quốc hội (QH) vừa gửi cảnh báo đến các đại biểu về những trang thông tin mạo danh QH, lãnh đạo QH dễ gây nhầm lẫn.
Việc giả mạo các tài khoản không chỉ diễn ra đối với QH hay các lãnh đạo QH mà nhiều bạn đọc cũng là nạn nhân của tình trạng này.
Giả mạo từ cá nhân đến tổ chức
Thông báo được Văn phòng QH phát đi cho hay: “Các trang thông tin này vừa đăng lại tin, bài của các cơ quan báo chí chính thống trong nước về hoạt động của QH, các lãnh đạo QH và lãnh đạo các cơ quan của QH, gây hiểu lầm đây là các trang chính thức của QH. Các trang này cũng vừa đăng tải các tin của mạng xã hội và các bài viết có những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, tạo cách hiểu không đúng về hoạt động của QH”.
Hiện nay, Văn phòng QH đang phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để tiến hành rà soát, xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Một trong những người trở thành nạn nhân của việc bị mạo danh tài khoản Facebook là giới nghệ sĩ. Vào tháng 8-2018, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã phải công khai clip phối hợp cùng công an xử lý một trường hợp giả mạo Facebook cá nhân. Đối tượng giả mạo đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên Đàm Vĩnh Hưng, thường xuyên đổi ảnh đại diện, cập nhật trạng thái chia sẻ giống hệt nam ca sĩ nổi tiếng. Nhờ đó tài khoản giả mạo đã lôi kéo lượng lớn người theo dõi.
Hay như nhà báo Lại Văn Sâm, dù nhiều lần tuyên bố anh không bao giờ sử dụng mạng xã hội Facebook nhưng chỉ bằng cú click chuột lại cho ra hàng loạt tài khoản mang tên Lại Văn Sâm. Những tài khoản này thường trích dẫn những bình luận trái chiều về các vấn đề xã hội.
Việc giả mạo tài khoản của người khác sẽ bị xử lý theo quy định. Ảnh: HTD
Có nhiều kênh để tiếp nhận Facebook giả mạo
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, cho hay hiện nay có rất nhiều kênh để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng giả mạo trang cá nhân Facebook.
“Chúng tôi đã nhiều lần tiếp nhận phản ánh, sau khi xác minh, thẩm định nếu thông tin đó là chính xác, chúng tôi sẽ thông báo cho đại diện Facebook để hạ các trang này xuống” - ông Thanh Lâm cho hay.
Cũng theo ông Thanh Lâm, hiện nay Cục đã có đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dùng. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị, tổ chức bị giả mạo trang Facebook cũng có thể gửi công văn, thư phản ánh đến Cục PTTH&TTĐT.
Đường dây nóng sẽ xử lý thông tin qua các kênh điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có thể phản ánh thông tin về tổ công tác đường dây nóng của Cục PTTH&TTĐT qua: Số điện thoại đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc địa chỉ thư điện tử online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.
Làm thế nào để không bị giả mạo Facebook? Facebook đã xóa bỏ khoảng 1,5 tỉ tài khoản giả mạo từ tháng 4 đến tháng 9-2018, điều này cho thấy các hoạt động lừa đảo đang ngày càng nở rộ trên mạng xã hội. Để tài khoản Facebook của mình không bị giả mạo, đầu tiên bạn hãy tải và cài đặt tiện ích J2TEAM Security tại địa chỉ http://bit.ly/2jYkObG, nhấn Add to Chrome (thêm vào Chrome) > Add extension (thêm tiện ích). Tiện ích này tương thích với Google Chrome, Cốc Cốc, Opera, Yandex… hoặc các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium. J2TEAM Security là tiện ích bảo vệ bạn khỏi những trang web lừa đảo đánh cắp tài khoản, mã độc... Khi cài đặt hoàn tất, bạn chỉ cần nhấn phải chuột vào biểu tượng của tiện ích ở góc phải trình duyệt và chọn Tools (công cụ) > Facebook Profile Picture Guard (bảo vệ hình ảnh đại diện Facebook). Trong trang web vừa hiện ra, bạn nhấn tiếp vào tùy chọn Turn On Profile Picture Guard. Ngay lập tức, chiếc khiên bảo vệ sẽ xuất hiện ở mép dưới ảnh đại diện của bạn. MINH HOÀNG Giả mạo tài khoản người khác sẽ bị xử lý Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, người có hành vi giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (theo điểm đ khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện)). Hành vi giả mạo tài khoản Facebook của người khác với mục đích xúc phạm cá nhân trên Facebook thì tùy vào mức độ xúc phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, người xúc phạm người khác có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Người dùng Facebook để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác đến mức nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm. ĐÀO TRANG ghi |