Bị giữ bằng lái xe tích hợp ô tô và xe máy mà bằng lái ô tô sắp hết hạn thì phải làm sao?

(PLO)- Bạn đọc NTLH hỏi: “Tôi có bằng lái xe tích hợp giữa hạng A1 và D nhưng vừa rồi tôi bị CSGT xử phạt vì vi phạm giao thông nên đã tước GPLX hạng A1. Trong đó GPLX hạng D của tôi sắp hết hạn thì tôi phải làm sao?”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Làm sao để gia hạn GPLX khi đang bị giữ?

Trao đổi với PLO, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy định hiện hành việc tách hai loại GPLX được thực hiện bình thường theo quy trình như đổi bằng lái. Tuy nhiên, do GPLX của chị H. đang là GPLX dạng tích hợp, tức là hạng A1 và hạng D đều có chung 1 mã số quản lý và hiện đang bị CSGT tước quyền sử dụng.

“Trong khi đó, GPLX cho xe máy là loại không thời hạn, chỉ cấp đổi đối với người bị mất hoặc người có bằng lái xe thẻ giấy đổi sang loại thẻ PET. Người đổi bằng lái xe máy cũng chỉ thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp mà không được quy định nộp hồ sơ trực tuyến. Còn cấp đổi GPLX hạng ô tô thì bao gồm cả hai hình thức”- ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, khi tách bằng lái xe tích hợp thì yêu cầu người dân phải nộp trực tiếp tại các điểm cấp, đổi GPLX theo quy định. Nhưng hiện nay chị H. đã bị giữ GPLX nên không thể mang GPLX để đổi GPLX hạng D được.

“Người bị giữ bằng lái chỉ có thể cơ quan Công an đang giữ bằng lái của mình trình bày GPLX hạng D sắp hết hạn và mượn bằng lái này về để thực hiện thủ tục đổi GPLX.

Ông Quang hướng dẫn thêm, sau khi nhận GPLX tích hợp, chị H. cần nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục để tách bằng lái xe. Sau khi kiểm tra đủ điều kiện, Sở GTVT sẽ gia hạn bằng lái xe và chị H. được giữ GPLX hạng D, còn GPLX hạng A1 phải quay trở lại nộp cho CSGT nơi đang thực hiện giữ bằng lái.

Trường hợp chị H. bị giữ GPLX trên VneID thì có thể thực hiện các thủ tục đổi GPLX đối với ô tô. Vì trên hệ thống của VneID cũng ghi rõ nội dung chị H. chỉ bị tước GPLX đối với hạng A1, còn hạng D vẫn đủ điều kiện để đổi GPLX theo quy định.

Thủ tục, hồ sơ tách, đổi GPLX

Chị H. có thể thực hiện thủ tục tách GPLX tích hợp như sau (Điều 38 thông tư 12/2017, được sửa đổi bởi Khoản 7, Điều 2 Thông tư 01/2021 và Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT):

Chuẩn bị hồ sơ trực tiếp tại các địa điểm quy định gồm: Đơn đề nghị đổi GPLX theo mẫu quy định (Bản chính), Giấy khám sức khỏe người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (Bản chính).

Từ 1-6-2024, quy định mới của Thông tư 05/2024, người đổi GPLX không cần chuẩn bị CCCD để nộp trong hồ sơ.

Trình tự: Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận; trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

Cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp GPLX khi được tiếp nhận hồ sơ theo quy định; khi nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp GPLX thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân;

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT thực hiện việc đổi GPLX; trường hợp không đổi GPLX thì phải trả lời và nêu rõ lý do;

Theo Thông tư 188/2016 của Bộ Tài chính, trường hợp người lái xe muốn tách 2 GPLX ô tô và xe gắn máy riêng biệt sẽ phải nộp lệ phí là 270.000 đồng. Thời gian trả kết quả sẽ không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm