Ngày 16-8, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tem (41 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) và bị đơn là gia đình ông Phạm Tặng (74 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana).
Đất ông Phạm Tặng (ô màu đỏ) và đất của bà Nguyễn Thị Tâm (ô màu xanh) trên thực tế. Ảnh: VŨ LONG |
Theo đơn khởi kiện, đầu tháng 4-2022, gia đình ông Tặng làm thủ tục sang nhượng hơn 4.000 m2 đất cho bà Tem ở thôn 4, xã Bình Hòa với tổng giá trị hơn 5,2 tỉ đồng.
Sau đó, bà Tem đã hai lần đặt cọc hơn 1,4 tỉ đồng và được tạo lập thành một bản hợp đồng có sự ký nhận của các bên.
Gần một tháng sau, bà Nguyễn Thị Tâm (ngụ huyện Krông Ana) đã có đơn gửi ra UBND xã Bình Hòa về việc đang tranh chấp với ông Tặng lối đi chung. Do đó, phía văn phòng công chứng ở huyện Krông Ana đã từ chối làm thủ tục liên quan đến việc sang nhượng này.
Sau đó, quá thời hạn giao dịch, bà Tem không đồng ý thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nữa.
Bà Tem đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu gia đình ông Tặng trả lại 2,9 tỉ đồng (trong đó, hơn 1,4 tỉ đồng tiền đặt cọc, còn lại là số tiền phạt cọc). Đến tháng 5-2023, bà Tem rút một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông Phạm Tặng chỉ trả lại số tiền hơn 1,4 tỉ đồng đã đặt cọc.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, tại điều 7 của hợp đồng đặt cọc, bên bán và bên mua cam đoan tài sản chuyển nhượng không có tranh chấp. Đến ngày 27-4-2022, phát sinh tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Tâm với ông Tặng; sau đó, bà Tâm cũng có đơn khởi kiện ra tòa.
Do đó, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Tặng và bà Tem không thực hiện được. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Tem.
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VŨ LONG |
Trên cơ sở đó, HĐXX TAND huyện Krông Ana đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tem, buộc ông Phạm Tặng trả lại số tiền đã đặt cọc là hơn 1,4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn đã đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy, sau khi đặt cọc bà Tem đã thuê máy móc vào cày xới bên trong thửa đất của ông Tặng, chồng bà Tem đã vào nhà gắn thiết bị camera an ninh; thuê người đào hồ, mở đường, chặt hàng loạt cây trồng có giá trị của gia đình ông Tặng...
“Thời điểm đầu tháng 4-2022, đất vẫn còn sốt. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo về việc ngăn chặn, xử lý nghiêm thực trạng phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp… nên làm cho giá đất từ cuối tháng 4-2022 chững lại. Tôi đề nghị HĐXX làm rõ có hay không việc tạo lập tranh chấp giả tạo để làm cái cớ hủy hợp đồng mua bán đất giữa ông Phạm Tặng và bà Nguyễn Thị Tem”, luật sư đại diện cho bị đơn nêu trước HĐXX.
Vẫn theo luật sư, tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi lẽ, khi TAND huyện Krông Ana đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ giải quyết vụ án giữa ông Tặng và bà Tem để thu thập chứng cứ; không triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại không thu thập chứng cứ liên quan việc tranh chấp lối đi chung giữa bà Tâm với ông Tặng có thật hay không, mà yêu cầu UBND xã Bình Hòa cung cấp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tặng.
Thực tế, trích lục hồ sơ của UBND xã Bình Hòa xác nhận: sổ hồng cấp cho gia đình ông Tặng từ năm 1995 không thể hiện có con đường đi qua đất của ông Phạm Tặng để đi vào đất của bà Nguyễn Thị Tâm.
Ông Phạm Tặng cho biết, gia đình ông sinh sống trên mảnh đất này suốt 36 năm qua và chưa xảy ra tranh chấp với ai. Chỉ thời điểm đất hạ nhiệt, mới có đơn của bà Tâm đòi lối đi không có trong thực tế.
Bị đơn đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Phía nguyên đơn không có ý kiến gì thêm, đồng thời đề nghị HĐXX y án sơ thẩm. Vị đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk tại phiên tòa phúc thẩm cũng đề nghị HĐXX y án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều ngày nay (17-8).
Ngày 26-9-2022, do bà Tâm lại rút đơn khởi kiện nên TAND huyện Krông Ana đã ra đình chỉ vụ án “Tranh chấp lối đi” giữa bà Tâm và ông Phạm Tặng. Nhưng đến ngày 3-11-2022, bà Tâm lại tiếp tục có đơn khởi kiện ông Tặng về tranh chấp lối đi và được TAND huyện Krông Ana thụ lý, hiện chưa xét xử.