Tranh chấp lối đi chung, 3 lần hòa giải chưa xong

(PLO)- Người dân bày tỏ bức xúc trước việc một cá nhân đổ đất đá, phân trâu để chặn lối đi chung của các hộ sinh sống phía sau nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số hộ dân tại thôn Quyết Tiến (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phản ánh về việc bị ông PXP ở cùng thôn ngăn cấm, bịt lối đi chung. Việc này đã gây khó khăn trong việc đi lại của bốn hộ dân phía trong, họ không còn lối nào để đi ra đường chính.

Người dân đã phản ánh vụ việc đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Khổ vì lối đi chung bị chặn

Ông Trần Văn Hoan, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, cho biết vào những năm 1990, gia đình ông cùng các hộ khác được cấp đất làm nhà ở và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) tại thôn Quyết Tiến. Các hộ này có một lối đi chung rộng khoảng 3 m được sử dụng từ đó đến nay. Đến năm 2003 thì ông PXP ngăn cấm, bịt lối đi chung này.

“Thời điểm đó, chúng tôi có báo vụ việc lên UBND xã và được xã công nhận lối đi này, cho gia đình tôi và ba hộ khác cùng sử dụng làm đường đi. Đến năm 2022, ông P lại tiếp tục chặn lối đi này bằng cách đổ đá trên lối đi, làm các hộ dân phía trong không có lối đi. Các hộ dân ở đây mong chính quyền sớm giải quyết vụ việc để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân” - ông Hoan nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Táo, cũng là hộ dân bị chặn lối đi chung, cho biết có nhà ở thì phải có đường đi. Thực tế lối đi này đã có từ năm 1990 cho đến hiện tại, các hộ ở phía sau đã ở từ lâu, giờ đường bị đổ đá chặn lại thì người dân không biết đi bằng cách nào.

Lối đi chung nối với đường liên thôn của các hộ dân đã bị đổ đá chặn lại. Ảnh: BT
Lối đi chung nối với đường liên thôn của các hộ dân đã bị đổ đá chặn lại. Ảnh: BT

Liên quan đến việc chặn lối đi trên, ông PXP cho biết nhà và đất của ông đã được cấp sổ hồng từ năm 1991 đến nay. Trên sổ hồng thể hiện đất của ông là đất liền và không bị chia cắt bởi con đường như trên. Bởi nếu có con đường đi qua thì đất của ông đã bị tách thành hai thửa.

“Đất nhà và vườn của tôi là liền thửa, trước đó tôi nuôi trâu và có đường cho trâu đi (lối đi chung hiện bị chặn - PV), ai đi ké trên con đường đó được thì cứ đi. Giờ tôi không nuôi trâu nữa nên quy hoạch để xây vườn” - ông P nói.

Hòa giải ba lần không xong

Trao đổi với PV, ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, cho biết UBND xã có nhận đơn phản ánh của ông Trần Văn Hoan về việc bị chặn lối đi chung. Xã đã mời các bên liên quan đến hòa giải ba lần nhưng không thành. Sau đó, xã có thông báo bằng văn bản gửi cho UBND huyện Quảng Ninh về vụ việc trên.

Ông Trần Xuân Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Trần Văn Hoan, UBND huyện đã cho các đơn vị liên quan xác minh cụ thể từng nội dung phản ánh theo đơn để có cơ sở trả lời người dân và để báo cáo UBND tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo UBND xã Hàm Ninh tiếp tục tổ chức hòa giải giữa hai bên và yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng khu vực tranh chấp. Đồng thời, huyện đề nghị UBND xã Hàm Ninh xem xét, xác định lại nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của ông P để có cơ sở xử lý.

Quyền được có lối đi chung của các hộ dân

Theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế), BLDS 2015 đã quy định rõ quyền đối với bất động sản (BĐS) liền kề và quyền về lối đi qua. Theo đó, quyền đối với BĐS liền kề (Điều 245) là quyền được thực hiện trên một BĐS nhằm phục vụ cho việc khai thác một BĐS khác. Còn đối với quyền về lối đi qua (Điều 254 BLDS) thì chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải bồi thường cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Về vụ việc đòi lối đi chung của các hộ dân nói trên và ông P, vào năm 1991 ông P được cấp sổ hồng bao gồm cả lối đi chung như trên. Vì vậy, về mặt pháp luật, ông P có quyền đối với phần diện tích mà ông được cấp sổ hồng.

Song, phần diện tích của ông P cũng là lối đi qua, đã hình thành trước khi ông P được cấp sổ hồng, vì vậy các hộ dân xung quanh yêu cầu ông P mở phần lối đi chung là phù hợp.

Giải pháp cho tình huống này, nếu sau ba lần hòa giải không thành thì các hộ dân có quyền yêu cầu tòa án giải quyết để có lối đi lại ra đường công cộng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm