Ngồi cùng chiếc ghế, trong cùng một căn phòng, nhưng đó lại là phòng xử án, hai vợ chồng sát vai nhưng không được nói với nhau lời nào, tất cả đều ngao ngán cho cuộc đoàn tụ đầy trái ngang của người phụ nữ hơn 30 tuổi.
Vụ án trớ trêu
Vào một tối cuối tháng 7-2009, khi đang ngồi uống nước trong nhà, Lê Gia T. (46 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) thấy B. là hàng xóm bước vào cổng. B. vốn là con nghiện nên thường vay tiền T. để mua ma túy, nhiều lần như vậy, T. cảm thấy bực bội và không ưa.
Đoán chắc lần này B. cũng sang vay tiền mua ma túy, T. chẳng buồn mở lời chào cũng như mời khách vào nhà. Chỉ chờ B. đặt vấn đề, T. lập tức không đồng ý cho vay tiền và đuổi thằng thừng người hàng xóm. Tuy nhiên, B. không chịu về mà ra hiên nhà ngồi “ăn vạ”.
Lảm nhảm một hồi, cơn nghiện mỗi lúc một giày vò, B. không thể chịu đựng thêm nên quyết định quay vào trong nhà hỏi vay tiền lần nữa. Tuy nhiên, vẫn như lần đầu, B. bị T. kiên quyết từ chối.
Bất lực trước thái độ của bạn cộng với sự “cắn xé” của cơn nghiện, B. liều lĩnh rút ra một xi-lanh có kim tiêm, giơ về hướng T. rồi hăm dọa: “Nếu anh không cho tôi mượn tiền, tôi sẽ đâm anh, cả hai cùng dính (nhiễm HIV – PV)”.
Thấy vậy, T. vẫn một mực không đồng ý cho vay tiền. Bỏ ngoài tai, B. liền lao vào và hai bên xảy ra xô xát. Trong lúc giằng co, T. đã đâm trúng vào ngực của bạn.
Vợ chồng H. tại phiên sơ thẩm của TAND TP Hà Nội
Về phía mình, sau khi định thần lại, T. vô cùng hoảng sợ. Đúng lúc này, cuộc điện thoại từ một người hàng xóm gọi tới, thông báo về việc B. được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Bấn loạn, T. chạy thốc vào trong, nói với H. (vợ của T.) đang cho con ngủ đưa mình 100.000 đồng. Chỉ kịp dặn vợ “ở nhà nuôi con”, T. lên xe máy bỏ trốn. Phải đến tháng 7-2015, T. mới bị Công an bắt giữ theo lệnh truy nã.
Trong thời gian T. trốn nã, do không tố giác hành vi phạm tội của chồng mình, H. đã vướng vào vòng lao lý. Chị bị truy tố về tội không tố giác tội phạm.
Đoàn tụ trước vành móng ngựa
Sau hơn 6 năm xa cách, đây là lần đầu tiên H. được gặp lại chồng, nhưng lần tái ngộ này lại diễn ra khi cả hai đều là bị cáo trong phiên sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.
Ngay khi T. bỏ trốn, bi kịch cũng “rủ nhau” tìm tới H. Không có chồng bên cạnh, H. phải “tự lực” khi sinh đứa bé thứ hai. Rồi hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ kịp nghỉ vài tháng, chị lại chạy chợ để kiếm tiền nuôi gia đình.
Công việc bán rau chẳng đủ lo cho mấy miệng ăn, lại không có thời gian chăm con nhỏ, H. quyết định chuyển sang buôn đồng nát quanh vùng. Nhưng cũng chính công việc này đã đưa chị đến với bi kịch tiếp theo.
Năm 2011, trong quá trình đi buôn, H. mua phải món đồ trộm cắp từ một người lạ mặt. Trùng hợp, người bị mất đồ phát hiện sự việc và tố cáo tới cơ quan chức năng. Do không thể chứng minh được người bán món đồ kia cho mình, H. phải ngồi tù 18 tháng về tội trộm cắp tài sản.
Khoảng thời gian thụ án, hai đứa con thơ của H. sống trong cảnh cha trốn nã, mẹ lao tù nên phải nhờ cậy người thân chăm sóc.
Nhưng bi kịch vẫn chưa dừng lại, khi thời gian xóa án tích của bản án trước đó gần tới, giờ đây H. lại phải đối mặt với vành móng ngựa khi che giấu hành vi phạm tội cho chồng mình.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người nhà cả bên nội và ngoại của vợ chồng H. đều tới tham dự. “Nó không được nhanh nhẹn như người khác, biết chồng mình gây tội mà không báo với cơ quan chức năng. Nhưng cũng thử hỏi có người vợ nào lỡ lòng tố cáo chồng mình với Công an cơ chứ” – một người thân của H. nghẹn ngào.
Sau gần nửa tiếng thẩm vấn, nhận thấy vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ, như việc vợ của bị hại tuy bỏ đi nhiều năm nhưng chưa ly hôn, vẫn được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên cần xác minh địa chỉ…, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung.
Vài phút trò chuyện ngắn ngủi trước khi ra xe phạm, H. chỉ kịp nghe chồng dặn dò cố gắng giữ gìn sức khoẻ và chăm sóc hai con.