Bí mật đằng sau giải pháp chống hạn hơn 1.000 năm tuổi ở Tây Ban Nha

(PLO)- Các nhà khoa học đang tìm cách khôi phục lại một hệ thống kênh cổ ở Tây Ban Nha, với hy vọng có thể giúp nước này khắc phục được phần nào hậu quả của hạn hán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại vùng núi Granada, vùng Andalusia (phía nam Tây Ban Nha), nhiều người mang theo chĩa và xẻng để dọn sạch đá, cỏ khỏi các con kênh nhỏ được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước.

Các con kênh này đã bị bỏ hoang nhiều năm nay, do sự phát triển của các hệ thống tưới tiêu hiện đại. Tuy nhiên, khi hạn hán và nắng nóng đang đe dọa nguồn cung nước trong khu vực, các nhà khoa học cho rằng các con kênh này cùng kiến thức dẫn nước của người xưa sẽ giúp khu vực vượt qua khô hạn.

Nhóm tình nguyện viên và công nhân khôi phục một con kênh cổ ở Granada (miền nam Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nhóm tình nguyện viên và công nhân khôi phục một con kênh cổ ở Granada (miền nam Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những con kênh chịu được “1.000 năm biến đổi khí hậu”

Nhiệt độ cực cao quét qua phần lớn khu vực Nam Âu trong tuần này chỉ là dấu hiệu mới nhất cho loạt hiện tượng biến đổi khí hậu, vốn đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Trong ngày 18-7, một số nơi ở Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt lên đến 42,7 độ C. Giới chức Tây Ban Nha đã phải đưa ra cảnh báo nhiệt cao cho khoảng một nửa lãnh thổ của nước này.

Theo tờ The New York Times, nếu nắng nóng và hạn hán tiếp tục kéo dài trong những năm tới, có khả năng 3/4 lãnh thổ của Tây Ban Nha sẽ bị sa mạc hóa trong thế kỷ này.

Đối mặt với thực tế này, những người nông dân, tình nguyện viên và các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã vạch lại lịch sử để tìm giải pháp.

Trong quá trình đó, họ tìm thấy một mạng lưới kênh tưới tiêu rộng lớn trong vùng. Các kênh này được người Moor - cộng đồng người Hồi giáo định cư ở bán đảo Iberia vào thời Trung cổ - xây dựng.

Những con kênh được gọi là “acequias”, có nghĩa là ống dẫn nước. Trong lịch sử, các con kênh này đã khơi dậy sự sống cho vùng Andalusia - một trong những vùng khô hạn nhất châu Âu. Chúng cung cấp nước cho các đài phun nước của cung điện Alhambra hùng vĩ gần đó và biến vùng Andalusia thành một khu vực nông nghiệp trù phú của Tây Ban Nha.

Nhiều con kênh như vậy không còn được sử dụng kể từ khoảng những năm 1960, vì người dân Tây Ban Nha chuyển sang mô hình nông nghiệp dùng nước từ các hồ chứa nước. Khi ấy cũng là thời điểm nhiều người Tây Ban Nha rời bỏ các vùng nông thôn để đến các thành phố.

Khi không còn nhiều người sử dụng các con kênh này, ký ức và cách điều tiết nước của con kênh cũng rơi vào quên lãng.

Một đài phun nước ở làng Cañar, vùng Andalusia (Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một đài phun nước ở làng Cañar, vùng Andalusia (Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Giờ đây, những con kênh cổ này đang được hồi sinh. Chúng được coi là một hệ thống hiệu quả và chi phí thấp để giảm thiểu tác hại của hạn hán ở Tây Ban Nha.

“Các con kênh này đã có thể chịu được ít nhất 1.000 năm biến đổi khí hậu, chứng kiến những thay đổi về xã hội và chính trị. Vậy tại sao bây giờ chúng ta không thử dùng chúng lần nữa” - ông José María Martín Civantos, nhà sử học đang điều phối dự án phục hồi các con kênh, nói.

Trí tuệ của người xưa

Theo ông Civantos, người Moor đã xây dựng hơn 24.000 km kênh trên khắp vùng Andalusia. Ông cho biết trước khi có những con kênh này, việc trồng lương thực trong điều kiện khí hậu không ổn định của Địa Trung Hải là điều rất khó.

Ông Civantos cho rằng “cái hay của hệ thống” là nó làm chậm dòng nước từ vùng núi xuống đồng bằng, để giữ và phân phối nước tốt hơn. Nếu không có hệ thống kênh cổ này, tuyết tan từ đỉnh núi sẽ chảy trực tiếp vào sông, hồ và khô cạn trong mùa hè.

Các con kênh được đào uốn lượn quanh những ngọn đồi. Nước từ tuyết tan chảy xuống những con kênh này và ngấm vào lòng đất một cách rất chậm. Nước sau đó chảy xuống các tầng chứa nước trong lòng đất. Nhiều tháng sau, lượng nước này xuất hiện lại tại các con suối ở đồng bằng và người dân sẽ dùng nước đó để tưới cho cây trồng trong mùa khô.

“Người Moor không chỉ để lại cho chúng tôi những con kênh cổ, mà còn để lại cả cảnh quan mà họ đã tạo ra bằng các con kênh này” - bà Elena Correa Jiménez, một nhà nghiên cứu trong dự án phục hồi các con kênh, cho biết.

Đứng trên đồi, cầm xẻng, bà Jiménez chỉ vào những vùng đất xanh tươi trải dài bên dưới và nói: “Không thứ nào trong số này tồn tại nếu không có các con kênh cổ. Sẽ không có nước để uống, không có đài phun nước, không có mùa màng. Vùng này sẽ gần như là một sa mạc”.

Cuộc cách mạng nông nghiệp được chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ đã biến Andalusia thành “khu vườn” của châu Âu. Nơi đây cung cấp số lượng lớn lựu, chanh và lúa mạch cho khắp lục địa. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển cũng dẫn đến nhu cầu tưới tiêu tăng, làm cạn kiệt các tầng chứa nước của khu vực và làm tình hình hạn hán thêm trầm trọng.

Cañar là một ngôi làng nhỏ ở vùng Andalusia. Các vùng đất nông nghiệp trong làng giờ đây dường như bỏ hoang vì thiếu nước và thời tiết quá nóng.

Ông Ramón Fernández Fernández (69 tuổi) là một nông dân sống trong làng Cañar. Ông nói ông nhớ cảnh những ngôi nhà trong làng bị sụp dưới sức nặng của tuyết mùa đông, nhưng từ lâu lắm rồi, tuyết không còn rơi ở làng nữa.


Quang cảnh làng Cañar, Andalusia (Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quang cảnh làng Cañar, Andalusia (Tây Ban Nha). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Vào năm 2014, làng Cañar trở thành nơi thử nghiệm cho dự án của nhà sử học Civantos phục hồi các con kênh cổ. Suốt một tháng trời, ông Civantos cùng 180 tình nguyện viên đào đất dưới cái nắng như thiêu đốt để khôi phục con kênh tại làng.

Sau đó, họ đã thành công trong việc đưa nước chảy qua làng Cañar. “Một số nông dân khoảng 80 tuổi đã khóc vì nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ thấy dòng nước chảy nữa” - ông Civantos kể.

Đến nay, ông Civantos và các cộng sự đã phục hồi hơn 96 km kênh. Sáng kiến này đã lan sang các vùng ở phía đông và phía bắc Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ông Civantos và một số nông dân cho biết họ vẫn thiếu hỗ trợ tài chính, vì một số chính trị gia và doanh nghiệp cho rằng hệ thống kênh này không hiệu quả so với mạng lưới tưới tiêu hiện đại.

“Thật khó để thay đổi tâm lý của mọi người. Nhưng nếu bạn nghiên cứu kỹ thì sẽ thấy các hệ thống tưới tiêu truyền thống hiệu quả hơn nhiều. Chúng giữ nước tốt hơn, bổ sung nước cho các tầng chứa nước, cải thiện độ màu mỡ của đất” - ông Civantos nói.

Ông José Antonio García - người đứng đầu làng Pitres - cũng tham gia quá trình dọn dẹp đất đá để phục hồi các con kênh. Ông cho rằng người xưa đã đưa “rất nhiều kiến thức” vào các con kênh cổ này.

“Bây giờ, chúng ta có cơ hội sử dụng trí tuệ cổ xưa này để chống biến đổi khí hậu” - ông García nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm