Ngày 25-2, tại trụ sở UBND xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), VKSND huyện tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Nguyễn Hoàng Việt. Từ một thanh niên 24 tuổi, ông Việt bỗng trở thành bị can trong vụ án bột trộn đường và sau 33 năm kiên trì kêu oan, ông đã được cơ quan làm oan xin lỗi công khai, phục hồi danh dự.
Mong được chấp nhận lời xin lỗi
Tại buổi xin lỗi, ông Trần Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng VKSND huyện Phụng Hiệp, thừa nhận nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho ông Việt là do người tiến hành tố tụng nói chung và kiểm sát viên VKSND huyện Phụng Hiệp nói riêng. Cụ thể, họ đã không đánh giá đầy đủ và toàn diện chứng cứ liên quan đến ông Việt trước khi khởi tố.
Ông Nghĩa nói: “Thay mặt Nhà nước, đại diện lãnh đạo VKSND huyện và các cơ quan tố tụng của huyện xin lỗi ông Việt và gia đình ông. Mong rằng ông và gia đình chia sẻ, thông cảm và chấp nhận lời xin lỗi”.
Đáp lại, ông Việt bày tỏ sự vui mừng vì pháp luật đã được thực thi sau thời gian dài ông kêu oan.
“Sự vui mừng của bản thân tôi và gia đình thì khó có thể diễn tả được bằng lời, chỉ những người trong cuộc như tôi mới hiểu được thôi. Tôi xin cám ơn mọi người đã quan tâm, giúp đỡ tôi trong thời gian qua, đặc biệt là người vợ trẻ của tôi cách đây 33 năm đã không ngại khó khăn đồng hành cùng tôi suốt thời gian qua” - ông Việt bày tỏ.
Ông Việt cũng mong muốn các cơ quan chức năng thực hiện bước tiếp theo như xem xét yêu cầu bồi thường 2,7 tỉ đồng của ông. Đồng thời, ông cũng mong sớm được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của mình, như phục hồi Đảng và phục hồi chế độ công chức.
Phó Viện trưởng VKSND huyện Phụng Hiệp Trần Trung Nghĩa (phải) và vợ chồng ông Việt tại buổi xin lỗi. Ảnh: CHÂU HÀO
Những chuỗi ngày khó khăn
Sau buổi xin lỗi, ông Việt ngậm ngùi kể về khoảng thời gian mang thân phận bị can suốt mấy chục năm qua. Ngày ông bị bắt cũng là lúc đứa con thứ ba của ông sắp chào đời, gia đình đứng trước nguy cơ ly tán. Thế nhưng trong suốt hành trình 33 năm kêu oan, ông luôn nhận được sự ủng hộ, tiếp sức của người vợ. Mặc cho dư luận điều tiếng, vợ ông vẫn không một lời trách móc, vẫn cứ âm thầm đứng sau lo toan cho chồng. “Bà ấy vừa làm mẹ, vừa làm trụ cột gia đình, quán xuyến trong ngoài lo cho các con và lo cho cả kinh tế gia đình” - ông Việt kể.
Năm 1986, khi ông bị bắt, kinh tế gia đình ngày càng xuống dốc, bao nhiêu đất ruộng đều “đội nón ra đi” bởi lẽ ông không còn tâm trí để canh tác và bán để có chi phí đi kêu oan. Để có tiền đi gõ cửa các nơi kêu oan, vợ chồng ông còn phải mượn thêm tiền của người thân, hàng xóm. Ông bảo khó khăn là vậy nhưng trong suốt quá trình đi kêu cứu, ông Việt và gia đình luôn vững tin là mình sẽ được minh oan.
Ông Việt nghẹn ngào: “Những cay đắng chỉ người trong cuộc đã trải qua mới hiểu và cảm nhận được. Nỗi đau đó không thể nào nói thành lời vì nó là cả khoảng thời gian dài 33 năm. Nói chung là mỗi người có một cái số, mình đành chấp nhận thôi nhưng tôi thấy mình cũng còn hạnh phúc hơn nhiều người vẫn còn đang oan ức…”.
Hành trình kêu oan vất vả Năm 1986, ông Việt lúc đó là ủy viên thư ký thường trực UBND xã Tân Bình, phụ trách khối VH-XH, kiêm trưởng tư pháp và trưởng lương thực xã. Tháng 1-1987, ông bị Công an huyện Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ cũ) khởi tố, bắt tạm giam về tội làm hàng giả theo Điều 167 BLHS năm 1985 và bị TAND huyện xử phạt 18 tháng tù. Ông Việt kháng cáo kêu oan và được cho tại ngoại, chờ xét xử phúc thẩm (bị tạm giam sáu tháng 12 ngày). Tháng 12-1988, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại với tội danh khác vì tội danh bị truy tố là chưa đúng. Gần sáu năm sau (tháng 11-1994), công an huyện khởi tố ông Việt về tội lừa dối khách hàng. Gần một năm sau, VKS huyện ra cáo trạng truy tố nhưng sau đó tòa không đưa vụ án ra xét xử. Hơn hai năm sau, ông Việt khiếu nại vì thấy vụ án không được đưa ra xét xử. Lúc này địa phương mới mời ông đến nhận quyết định đình chỉ điều tra ký ngày 17-7-1997 của VKS huyện. Quyết định nêu: Xét thấy hậu quả xảy ra không lớn, mức phạm tội lần đầu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển xử lý hành chính. Ông Việt từ chối nhận quyết định và ghi ý kiến: Quyết định không rõ ràng và đề nghị giải quyết dứt điểm vụ án. Ông Việt liên tục khiếu nại, yêu cầu nếu xác định ông có tội thì đưa vụ án ra xét xử, ngược lại thì phải xác định ông vô tội, khôi phục mọi quyền lợi cho ông. Sau khi Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh, cuối cùng ngày 18-12-2019, VKSND huyện Phụng Hiệp ra quyết định đình chỉ với ông Việt do hành vi không cấu thành tội phạm. |