Dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam vừa phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019. Chủ đề của diễn đàn là “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.
“Tôi 60 tuổi nó còn bắt phải… đi học”
Gần kết thúc những tâm sự của mình ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, người được giao chức vụ Giám đốc công ty lúc mới 22 tuổi, nói: “Điều này đã vừa tạo áp lực vừa là cơ hội để tôi khẳng định bản thân và trau dồi kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường”.
Về vấn đề chuẩn bị việc chuyển giao, kế nghiệp, ông Phong chỉ thực sự nhận thấy tầm quan trọng khi năm 2016 ông bị ốm nặng gần một tháng. Lúc ông ốm, mọi hoạt động của công ty gần như bị “đình trệ”, doanh nghiệp như “rắn mất đầu”. Và ông Phong nhận ra rằng: Việc chuẩn bị người kế nghiệp là hết sức quan trọng.
Ông Phong chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động với phương trâm “muôn sự là của chung, hơn nhau một chữ đi cùng”. Điều này khiến cho mọi thành viên trong Tiến Nông thấy được trách nhiệm chung và làm việc bằng sự nhiệt huyết của mỗi cá nhân, vì Tiến Nông không phải công ty của riêng ai”.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Mục tiêu của tổ chức của doanh nghiệp cần được ưu tiên trên hết.
Bà Phương cho rằng, có thể quan điểm của thế hệ F2 chưa phù hợp, nhưng thế hệ F1 trong doanh nghiệp gia đình nên lắng nghe, cùng trao đổi và chia sẻ để không tạo ra các vấn đề phức tạp hơn.
Bà Phương cho biết, người sáng lập Tân Hiệp Phát cho phép thành lập một Ban Cố vấn chỉ để “chất vấn” ông. Ban cố vấn gồm các chuyên gia, tổng giám đốc doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia với nhiệm vụ duy nhất là chất vấn người sáng lập tập đoàn. Điều này cũng thể hiện sự cởi mở, thách thức bản thân của người đứng đầu. Đó cũng đồng thời là bước đệm để có thể tuyển thêm những lãnh đạo, có thêm những tài năng từ bên ngoài.
“Về nghe vợ chất vấn thôi đã đau đầu rồi chứ chưa kể Ban Cố vấn gồm các chuyên gia trong và ngoài nước”, bà Phương nói vui. Bà nói đó là những bước đệm để Tân Hiệp Phát có thể tìm ra được những tài năng từ bên ngoài vào quản trị tốt cho công ty nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động, phát triển.
Bà Trần Uyên Phương cũng cho rằng để có sự thấu hiểu, các thế hệ nên cùng tham gia khoá học về doanh nghiệp gia đình. Khoá học chỉ là một phần, thậm chí chỉ là cái cớ để các thế hệ trong gia đình có thể cởi mở được với nhau.
"Tôi nhớ mãi câu nói của ba tôi lúc cả gia đình cùng sang Thuỵ Sỹ để tham gia tập huấn. Ba tôi bảo “60 tuổi nó còn bắt tôi đi học”. Nhưng tôi hiểu đó là sự cởi mở của thế hệ trước, sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe cái mới từ thế hệ thứ hai
Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết ông được giao chức vụ giám đốc công ty lúc mới 22 tuổi- Ảnh: C.L
Chuyển giao kế nghiệp: Khó do tư duy?
Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ: Ông đi nhiều nước, tìm hiểu nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình. “Trong doanh nghiệp gia đình, việc học cách tôn trọng và gần gũi nhau và điều vô cùng quan trọng. Thường xuyên trao đổi cũng là cách để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn khi cùng nhau lãnh đạo doanh nghiệp gia đình”, ông Đoàn nói.
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp gia đình, vấn đề chuyển giao kế nghiệp cho thế hệ đi sau cũng không phải dễ dàng.
Ông Nguyễn Duy Ninh, Chủ tịch lâm thời CLB Kế nghiệp Việt Nam nhận định rằng: Doanh nghiệp gia đình tư nhân của Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ. Sự chuyển giao kế nghiệp bản chất là tiếp quản trọng trách lớn, nhiều thế hệ F2 có khả năng nhưng không có mong muốn kế nghiệp thế hệ F1.
Còn ông Đoàn cho rằng: Cải thiện mối quan hệ giữa F2 với thế hệ đi trước là cực kỳ khó khăn, thậm chí là phải rất kỳ công. “Có nhiều trường hợp, thế hệ F2 chưa đủ năng lực để đảm đương thì chỉ nên cho nắm giữ một trong những vấn đề của công ty như nhân lực và tài chính. Việc quản trị điều hành trực tiếp có thể là người ngoài. Đây sẽ là cố vấn quan trọng, gần như người "cơ trưởng" hậu thuận cho thế hệ F2 chèo lái trong vài năm”, ông Đoàn nêu giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings cho rằng: Tại các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, việc chuyển gia doanh nghiệp cho thế kế nghiệp thứ hai nhưng thế hệ thứ hai lại không yêu thích công việc kinh doanh là điều vô cùng khó. Đó là chưa kể, trách nhiệm và gánh nặng chuyển giao cho thế hệ thứ hai cũng là áp lực vô cùng lớn.
Bà Hường cho rằng: Chỉ có thể chuyển giao kế nghiệp cho thành viên trong doanh nghiệp gia đình nếu người đó có đam mê. “Nếu không hãy giữ niềm tự hào có thương hiệu mạnh như thế. Đồng thời, hãy để những người thực sự năng lực đứng vị trí điều hành. Trong trường hợp này, thế hệ F2 có thể trở thành cổ đông của công ty. Đây cũng là phương án tốt cho doanh nghiệp”, bà Hường nói.
Chiếm 25% GDP cả nước Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido… “Thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước”, ông Lộc nói. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói: “Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi mong muốn rằng, quá trình chuyển gia kế nghiệp trong các công ty gia đình làm thế nào được càng lâu càng tốt, làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được hàng trăm năm”. Để đạt được điều này, theo ông Hiếu, vấn đề chuyển giao kế nghiệp là rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Phan Đức Hiếu quan ngại, đó là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển giao với tầm nhìn rộng hợn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo nếu chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo. |