Bị phạt “oan” khi đăng ký “xe chính chủ”

Trong hai ngày 15 và 16-4, nhiều người đã đến các đội đăng ký xe để được hướng dẫn thủ tục sang tên, đổi chủ cho ô tô, xe máy “không chính chủ” (theo Thông tư 12/2013 của Bộ Công an).

Vướng vì lệ phí trước bạ

Ông Phạm Quốc K. (quận Phú Nhuận) cho biết: Ông có chiếc ô tô đã mua giấy tay từ lâu nhưng hiện không tìm được người bán. Ngày 16-4, ông đến cơ quan thuế để nhờ hướng dẫn nộp lệ phí trước bạ nhưng đơn vị này không giải quyết với lý do chiếc xe không có hợp đồng mua bán được công chứng. Cán bộ thuế lý giải: Thông tư 12/2013 của Bộ Công an không có hiệu lực với bên thuế!

Quay trở lại Đội Đăng ký xe ở 282 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), ông K. được cán bộ hướng dẫn đưa cho một tờ khai, yêu cầu điền vào và đến công an nơi thường trú xác nhận để bổ sung vào hồ sơ yêu cầu đăng ký sang tên. “Thắc mắc với cán bộ này về lệ phí trước bạ, tôi được trả lời cứ về chờ vì chưa có hướng dẫn. Tôi không hiểu quy định được ban hành đã lâu vậy nhưng đến khi có hiệu lực người dân lại phải chờ cái này, đợi cái khác là sao?” - ông K. bức xúc.

Bị phạt “oan” khi đăng ký “xe chính chủ” ảnh 1

Ông P. (quận Tân Bình, bìa phải) đã đóng phạt 8 triệu đồng để chuyển chiếc Toyota Innova về “chính chủ”. Ảnh: MP

Về vấn đề này, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM giải thích: Thông tư 34/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về lệ phí trước bạ cho phép giải quyết những trường hợp sang tên qua nhiều người theo Thông tư 12/2013 của Bộ Công an. Theo quy trình, người dân phải tới các đội đăng ký xe nộp tờ khai sang tên di chuyển (mẫu riêng, áp dụng theo Thông tư 12/2013 - NV) đã được công an phường, xã xác nhận. Sau đó cán bộ thụ lý sẽ hướng dẫn họ đến cơ quan thuế làm thủ tục nộp lệ phí. Dựa trên mẫu tờ khai này, cán bộ thuế phải giải quyết cho người dân.

Bị phạt vì lỗi của người khác

Theo PC67, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu chỉ được thực hiện trong quá trình giải quyết sang tên, điều tra tai nạn và xử lý vi phạm giao thông. Những trường hợp mua xe qua nhiều đời chủ, thiếu chứng từ chuyển nhượng được miễn trừ. Tuy vậy, ông Bùi Hoàng T. (quận 3) cho biết trước đây có mua một ô tô nhưng không sang tên theo quy định. Cuối tháng 3, ông bán chiếc xe cho một người khác. Ngày 15-4, người này đi làm thủ tục sang tên thì lại bị phạt 8 triệu đồng vì lý do đời chủ thứ nhất bán cho đời chủ thứ hai đã không sang tên đúng thời hạn.

“Trường hợp này hơi vô lý vì người bị phạt là người mua xe của tôi làm thủ tục sang tên không quá 30 ngày từ khi mua xe. Anh ta cũng kêu bị phạt oan nhưng tôi đành chịu vì đã làm hết trách nhiệm, hỗ trợ anh ta rút hồ sơ gốc để sang tên xe” - ông T. phân trần.

Luật sư Trần Đình Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét việc xử phạt người dân chậm sang tên, đổi chủ khi mua ô tô, xe máy hiện còn nhiều bất ổn. Trường hợp trên là dẫn chứng cụ thể.

Cũng theo luật sư Nam, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày vi phạm được thực hiện. Trong số hàng triệu ô tô, xe máy vi phạm thời gian “30 ngày chưa sang tên”, có rất nhiều trường hợp đã quá thời hiệu xử phạt. Vậy xử phạt các trường hợp này có đúng luật?

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm