Bí quyết trụ vững để phát triển

Hơn 400 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước (FDI), lãnh đạo chính phủ, chuyên gia kinh tế đã tham dự diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ nhất của Forbes Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội mới” tổ chức vào chiều 3-7 tại TP.HCM. Nhiều DN hàng đầu trong nước lẫn những DN FDI đang thành công khi đầu tư tại Việt Nam lẫn toàn cầu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm của mình.

“Kiến có thể thắng voi”

“Tại sao DN FDI lại thu được hiệu quả khi đầu tư tại Việt Nam mà chính DN trong nước lại thua ngay trên sân nhà của mình?”. Đó là câu hỏi mà ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình (TBS), luôn đặt ra đối với việc quản trị kinh doanh của DN trong nhiều năm qua. Ông Thuấn chia sẻ: “Bí quyết DN đã đứng vững và phát triển trong nhiều năm qua không phải là DN phải có quy mô lớn, vốn lớn mà chính là cách quản trị DN tốt, đủ tầm với các DN nước ngoài. TBS khởi đầu cũng chỉ với khoảng 1.000 công nhân, chủ yếu gia công nhưng hiện nay con số đã lên tới 30.000 công nhân với nhiều công ty con.

Để có được sự phát triển đó Tập đoàn TBS đặt ra các tiêu chuẩn cho chính DN mình, đó là xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ kỹ thuật; tăng lợi nhuận trên sản phẩm; chất lượng và xuất hàng đủ cho khách hàng. Chính nhờ vậy, sản phẩm giày của DN đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, năng lực DN đã thu hút các DN hàng đầu thế giới như Adidas, Nike, Reebook, Kappa, Puma… đến đặt hàng TBS sản xuất. Không chỉ là gia công, TBS tự chủ động sản xuất được nguyên phụ liệu để từ đó gia tăng được lợi nhuận.

DN dệt may, da giày cần chủ động nguyên liệu để thoát dần việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Ảnh: Hữu Luận

Đánh đúng đối tượng

Một DN Việt khác đang cạnh tranh ngang tầm với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh là Công ty Hàng gia dụng Quốc tế ICP cũng cho rằng sản phẩm mới, chất lượng đánh đúng đối tượng là thành công của DN.

Ông Phan Quốc Công, CEO của ICP, tiết lộ sản phẩm X-men của DN mình đã chiếm lĩnh thị trường nhờ DN biết nhắm vào đối tượng dầu gội đầu, sữa tắm dành cho phái mạnh trong khi các sản phẩm nước ngoài khác vào Việt Nam chủ yếu dành cho phái nữ.

“Một sản phẩm nước hoa có DN bán 50 USD nhưng có những DN chỉ bán 1 USD. Giá không quan trọng vì sản phẩm nào cũng có người mua mà quan trọng chính là chất lượng nó mang lại. DN nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn có thể phát triển, cạnh tranh trong ngành hẹp, phạm vi đủ sức của mình” - ông Công nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, phân tích: “Nhiều ý kiến cho rằng DN nước ta không cạnh tranh được vì 90% DN Việt Nam là nhỏ và vừa. Điều này không chính xác. Nước Đức DN nhỏ và vừa chiếm 90% và nhiều nước khác trên thế giới cũng như vậy nhưng họ vẫn có nền kinh tế phát triển tốp đầu thế giới. Chính vì DN nhỏ đó có năng lực tốt, hấp dẫn, hoạt động hiệu quả nên thu hút nhà đầu tư, đối tác. Các DN ở Đức nhỏ nhưng họ có thể sản xuất được những linh kiện, thiết bị máy móc thu được giá trị cao. Tập đoàn REE cũng phát triển theo hướng nâng chất những DN nhỏ và vừa”.

Bí quyết dùng người

Một bí quyết khác mà nhiều DN trong nước lẫn nước ngoài chia sẻ là xây dựng mối liên kết giữa lãnh đạo DN và nhân viên.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết năm tiêu chí cốt lõi của DN, một là đơn giản, tức là làm sao nâng hiệu quả hoàn thành công việc từ ba ngày ra một sản phẩm xuống chỉ còn một ngày. Hai là an toàn hai lần, nghĩa là dự phòng rủi ro, nếu 10 ngày giao hàng thì rút xuống chỉ tám ngày, còn hai ngày dự phòng nếu có sự cố. Ba là uy tín, hợp tác chân tình với đối tác. Tiếp đến là tinh thần làm việc đồng đội của lãnh đạo lẫn công nhân viên, tạo một môi trường làm việc vui vẻ trong công ty. Ngoài ra chất lượng sản phẩm cộng với bản sắc văn hóa dân tộc sẽ tạo được niềm tin của người dùng nội địa, đồng thời tạo được bản sắc để cạnh tranh với thế giới.

Chuyên gia Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cũng cho rằng DN Việt Nam không hề yếu về năng lực sản xuất nhưng năng lực sáng tạo thì hạn chế. Sáng tạo sẽ tạo ra sản phẩm mới, sẽ cải thiện sản xuất với nhiều sáng kiến lao động và tăng giá trị của sản phẩm. Và muốn được điều đó DN phải kích thích được sự đam mê, yêu nghề, yêu DN vào từng lãnh đạo và công nhân viên công ty. Việt Nam thu hút nhiều DN FDI đầu tư không phải vì chính sách, thủ tục hành chính tốt mà chính là nhân lực chất lượng.

Minh chứng cho điều này, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết sắp tới FPT sẽ cung cấp hơn 6.000 nhân viên công nghệ thông tin chất lượng cao cho thị trường nước ngoài. FPT luôn tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên, luôn hướng ra thị trường thế giới và đã thu lợi nhờ biết cách sử dụng nguồn nhân lực mà không cần đến máy móc.

QUANG HUY

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%-9%

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đổi mới mạnh mẽ. Chỉ còn con đường đưa tốc độ tăng trưởng 5%-6%/năm lên 8%-9% mới bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trong năm năm tới (2016-2020) với mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm năm trước, phải thực hiện bằng được việc phát triển kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn. Việt Nam sẽ phát triển dựa trên nguồn lực trẻ, thông minh và sáng tạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm