Bị tai nạn gãy chân, vào bệnh viện rồi… qua đời

Ngày 4-1, ông Ngô Văn Nhật (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nêu thắc mắc về cái chết bất ngờ của vợ ông.

Theo ông Nhật, ngày 22-12-2016, vợ ông là bà NTH ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trên đường đi làm về nhà bằng xe đạp đã bị một thanh niên cùng làng tông phải. Vụ va chạm khiến bà H. gãy một chân. Bà được đưa vào BV Đa khoa khu vực Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) để điều trị.

“BV Đa khoa khu vực Phúc Yên đã tiến hành chiếu chụp và cho biết vợ tôi chỉ bị gãy chân, không có thương tổn gì nữa, thế nên gia đình đã đồng ý để các bác sĩ mổ cho nhà tôi” - ông Nhật nói.

Tuy nhiên, theo ông Nhật, chỉ sau khoảng một giờ đồng hồ lên bàn mổ, ông được bệnh viện thông báo tim vợ ông đã ngừng đập. Các bác sĩ tiến hành các biện pháp cấp cứu nên tạm thời bệnh nhân đã ổn định lại và phải chuyển lên BV Bạch Mai. Đến khoảng 6 giờ sáng hôm sau, gia đình được bệnh viện thông báo tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu. Sau đó bà H. đã tử vong.

Ông Ngô Văn Nhật (ảnh nhỏ), chồng bệnh nhân kể lại sự việc.  BV ĐK khu vực Phúc Yên (ảnh lớn).  Ảnh: V.THỊNH

Liên quan đến trường hợp bà H., ngày 5-1, ông Đặng Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã xuống làm việc với BV Đa khoa khu vực Phúc Yên.

Theo báo cáo của bệnh viện, khi bà H. bị tai nạn gãy chân, vào BV Đa khoa khu vực Phúc Yên cấp cứu, BV truyền thuốc, huyết thanh, sau đó tim của bệnh nhân đột ngột ngừng đập. Các bác sĩ đã làm các thao tác cấp cứu, sau đó ít phút tim bệnh nhân đập trở lại. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu. Đến ngày 23-12, bệnh nhân tử vong.

Theo ông Thanh, nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tim có thể do hai tình huống: Thứ nhất do bệnh nhân bị gãy chân, khi vào bệnh viện được truyền thuốc, huyết thanh thì bệnh nhân bị sốc phản vệ. Thứ hai, có thể bệnh nhân đã có bệnh lý cũ mà chưa được phát hiện. Còn về phía bệnh viện, ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Phúc Yên, cho biết bệnh viện này cũng đang chờ kết luận của cơ quan pháp y.

Được biết đây là ca tử vong thứ hai xảy ra trong vòng hai tháng qua tại BV Bạch Mai mà bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến từ BV Đa khoa Phúc Yên.

Trước đó, ngày 20-11-2016, sản phụ NTK (41 tuổi, trú Mê Linh, Hà Nội) được BV Đa khoa Phúc Yên chuyển đến cấp cứu tại khoa Cấp cứu BV Bạch Mai. Theo hồ sơ của BV Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân lúc vào bệnh viện là hôn mê sâu (có thuốc an thần ở tuyến trước), đang bóp bóng qua ống nội khí quản. Bệnh nhân đang được dùng thuốc vận mạch. Sau đó, bệnh nhân được thở máy và được hội chẩn chuyên khoa tim mạch, chẩn đoán: Ngừng tuần hoàn sau mổ lấy thai. Tình trạng tiếp tục diễn biến nặng: Hôn mê sâu, suy thận, được chỉ định lọc máu…, tiên lượng rất xấu. Đến 9 giờ ngày 21-11, tình trạng bệnh nhân tiếp tục xấu nên gia đình viết giấy xin chịu trách nhiệm đưa bệnh nhân về nhà.

Nỗi khổ của bệnh viện tuyến cuối

Ngày 6-1, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai, cho biết sản phụ K. được chuyển về BV Bạch Mai trong tình trạng quá nặng, đã ngừng tim, hôn mê sâu. Sau thời gian cấp cứu, tim có đập lại nhưng đã mất não, bệnh quá nặng nên tử vong. Về trường hợp bệnh nhân NTH, 55 tuổi, bị tai nạn giao thông và sau đó tử vong nghi do sốc phản vệ, BS Hùng cho biết sẽ xác minh trường hợp này và cung cấp thông tin báo chí đầu tuần sau.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, BV Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, những trường hợp bệnh nhân quá nặng thì tuyến trước mới chuyển về. Thậm chí nhiều bệnh nhân dù đã tiên lượng xấu, tình trạng rất nặng không thể hồi phục được nhưng tuyến trước cũng cứ chuyển về. “Đây là nỗi vất vả của bệnh viện tuyến cuối mà không phải ai cũng có thể hiểu và chia sẻ được” - BS Hùng nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới