Bí thư Đồng Nai: Giúp dân không phải một bữa mà là lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 với các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh vào ngày 15-9.

Nhiều hoạt động được mởi trở lại

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Trong đó, khi trở về trạng thái bình thường mới thì cho phép mở lại các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, giải trí nhưng không tập trung quá 30 người trong trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu, xây dựng được mở cửa trở lại. Các dịch vụ không thiết yếu vẫn chưa hoạt động. Các cơ sở GD-ĐT chưa dạy – học trực tiếp, dù có ở trong vùng xanh, cam, vàng, đỏ đều tiếp tục học qua truyền hình hoặc qua Internet.

Tiếp tục dừng các hoạt động tham quan du lịch. Các sự kiện, lễ hội ngoài trời, phố đi bộ, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giải trí văn hóa khi về trạng thái bình thường mới vẫn hạn chế: cho phép hoạt động nhưng không quá 30 người nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 80 ngày.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng lưu ý các địa phương cần ràng buộc tỷ lệ người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các vùng xanh để áp dụng các biện pháp giới hạn hoạt động phù hợp.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh liên tục nhắc là phải lo cho dân, không để dân đói. Ảnh: VŨ HỘI. 

Để chuẩn bị cởi lỏng khu vực vùng xanh để hoạt động phát triển kinh tế cho tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các địa phương vùng xanh nếu xuất hiện ca F0 phải nỗ lực kiểm soát, không để lây nhiễm cộng đồng. Các vùng đỏ phải chủ động kiểm soát dịch bệnh để sớm trở thành vùng xanh.

Về kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới, Đồng Nai sẽ áp dụng các tiêu chí vùng xanh đến đơn vị là xã, phường, doanh nghiệp. Xã, phường nào đã xanh hoàn toàn thì cho phép mở cửa, trở về trạng thái bình thường mới. Xã, phường nào còn khu phố, ấp chưa xanh thì vẫn chưa được mở cửa. Tỉnh sẽ thực hiện thí điểm vấn đề này từ ngày 20-9 đến ngày 30-9.

“Sau thời gian này, nếu thực hiện tốt thì sẽ cho phép các ấp, khu phố đã xanh được mở cửa nhằm nới rộng không gian xanh, tạo động lực cho người dân các xã, phường, khu phố, ấp còn cam, vàng, đỏ nỗ lực để chuyển hóa thành vùng xanh, đem lại cuộc sống thoải mái hơn cho người dân", Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh

Cái bụng của nhân dân là quan trọng

Về an sinh xã hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đến nay địa phương đã phê duyệt hỗ trợ 330 tỷ đồng. Trong đó, 9.142 đơn vị sử dụng lao động với số tiền 120 tỷ đồng; 133.355 người lao động với số tiền 203 tỷ đồng; 2.279 hộ kinh doanh với hơn 6,9 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã chi hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID với số tiền 317 tỷ đồng.

Công tác chăm lo, cứu trợ cho dân, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao, cần phát huy để người dân có thêm nghị lực vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục rà soát, chỗ nào hết thì phải hỗ trợ thêm, đưa cán bộ về sát dân xem xét kịp thời hỗ trợ cho người dân, tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội chuyển về xã phường lo cho dân.

Tình nguyện viên Thành Đoàn TP Biên Hòa mang lương thực đến phát cho người dân gặp khó khăn trong những khu phong tỏa. Ảnh: VH. 

"Chúng ta chăm lo cho dân thời gian qua tốt nhưng vẫn phải tiếp tục sát dân, lo tốt hơn nữa. Sắp tới Trung thu, cố gắng có bánh cho các cháu nhỏ, nếu không có bánh trung thu thì cũng có bánh này bánh kia, có sữa cho các cháu, không để các cháu cảm thấy buồn vì đón trung thu lúc này", ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói thêm. 

Cũng theo ông Lĩnh, Đồng Nai sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi để giúp dân từ đây đến hết giãn cách, sau giãn cách và tiếp tục sau đó, bởi "di chứng dịch bệnh" này không phải một ngày một bữa mà sẽ còn kéo dài, cả vật chất lẫn tinh thần. Do đó, giúp dân không phải một bữa mà mãi mãi, còn phải quan tâm nhiều hơn nữa, không phải ngày một ngày hai mà đây là việc phải làm lâu dài.

Liên quan số tiền hơn 100 tỉ đồng trong quỹ ủng hộ mua vắc xin phòng COVID-19 do các doanh nghiệp ủng hộ, ông Lĩnh cho rằng vắc xin đã được Chính phủ tài trợ, nếu cần thiết không mua vắc xin nữa mà chuyển qua an sinh cho người dân.

“Cái bụng của nhân dân là quan trọng, không được để dân đói. Đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố trên tinh thần hướng về dân, giúp dân" - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên 37.268 ca.

Trong đó, có 16.000 ngàn bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện. Tổng số ca bệnh nhân tử vong là 337 ca.

Toàn tỉnh đã tiêm gần 1,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho gần 1,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, đang tiếp tục triển khai tiêm đợt 7, đợt 8, đợt 9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm