Hạ tầng thoát nước đang rất thiếu
Ngày 2-11, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII đã cho ý kiến về báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn TP. Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hệ thống thoát nước của Hà Nội đang rất thiếu và yếu.
“Hệ thống thoát nước được đầu tư mới (dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I và II) đến nay mới bao phủ được diện tích 77,5 km2 ở các quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch. Các khu vực còn lại chủ yếu là hệ thống thoát nước cũ, mới bắt đầu xây dựng hoặc đang nghiên cứu đầu tư” - ông Tuấn thông tin.
Trận mưa lớn hồi cuối tháng 5-2022, khiến khu vực phía Tây nội thành Hà Nội bị ngập nặng. Ảnh: PHI HÙNG |
Như vậy, với 13 quận nội thành với tổng diện tích hơn 300 km2 thì hệ thống thoát nước mới được đầu tư chỉ bao phủ được 77,5 km, đạt gần 26% tổng diện tích các quận nội thành.
Theo ông Tuấn, hệ thống thoát nước được đầu tư chưa theo kịp tiến độ đô thị hoá của TP, nhiều khu vực hệ thống thoát nước đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiện tượng ngập, úng khi có mưa lớn, nhất là nơi có địa hình thấp, trũng.
“Với trận mưa có cường độ đến 70mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100mm/h xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính,... - Ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhận định, với diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn tập trung với cường độ cao sẽ khiến hệ thống thoát nước của TP quá tải, tiếp tục gây úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: TP |
Ông Tuấn cho hay, thời gian qua để đảm bảo công tác thoát nước trên địa bàn TP, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập; sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, công trình thoát nước đầu mối; bổ sung ga thu nước mưa, bể điều tiết ngầm…
Về giải pháp lâu dài, ông Tuấn cho biết, TP sẽ phải tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư xây dựng để hoàn thiện hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải giai đoạn năm 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021- 2025 của TP…
Giải pháp chống úng ngập mang tính tạm thời
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong nhiều năm nay luôn là vấn đề “nóng”, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiệt hại vật chất nhất định và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng bị ngập. Trong khi đó các giải pháp chống úng ngập hiện nay mới chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính chất xử lý tình huống, chưa có giải pháp mang tính tính căn cơ, bền vững, lâu dài…
Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TP |
Bí thư Hà Nội cho hay, vào cuối tháng 8-2022, Thường trực Thành ủy đã đi kiểm tra, khảo sát một số dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội. Qua kiểm tra cho thấy, các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố đều triển khai chậm tiến độ đề ra, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập trên địa bàn.
“Đây là vấn đề rất hệ trọng và bức thiết đối với TP. Vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP hoàn thiện Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND thành phố xem xét”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Theo đó, ông đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn cũng như hệ thống xử lý nước thải của từng quận, huyện nói riêng và của thành phố nói chung; đánh giá thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay; nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai các dự án thoát nước trên địa bàn.