Chiều 30-3, hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân giành khá nhiều thời gian nói về thu hút đầu tư vào TP. Ông cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu hút đầu tư vào TP tăng cao, bình quân 16%/năm. Đây là tiền đề tốt TP tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bắt tay các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng trong quý 1-2019, TP thu hút đầu tư gần 215.000 tỷ đồng (tăng 9,7% so với cùng kỳ) là mức tăng tương đối khá nhưng điều đáng suy nghĩ và chưa yên tâm là cơ cấu đầu tư.
Theo ông Nhân, có đến 30% vốn đầu tư vào bất động sản, hoạt động khoa học công nghệ và dịch vụ là 20%, xây dựng là 19%, thương mại 18%, các dịch vụ khác là 3,5%. Như vậy trong tổng mức đầu tư cho lĩnh vực sản xuất rất là nhỏ, vốn đầu tư vào chế biến, chế tạo là rất thấp, đây là điều đáng suy nghĩ. Nguyên do có phần quỹ đất đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp khá khó khăn.
Về đầu tư nước ngoài, trong quý 1-2019 cũng tăng 20% so với cùng kỳ và vốn cũng chủ yếu đổ vào lĩnh vực bất động sản, gần 53%, trong khi đầu tư nước ngoài vào các ngành chế biến, chế tạo chỉ 8%, tương đương 125 triệu USD, rất là nhỏ. “Vì sao họ không đầu tư vào sản xuất?” – ông Nhân đặt câu hỏi và cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài nói mình rằng kiếm được miếng đất 6-7 ha để nhảy vào là khó lắm.
“Mới đây có một doanh nghiệp của Đức xin một miếng đất khoảng 7 ha để đầu tư khoảng 200 triệu USD sử dụng khoảng 3.000 đến 4.000 lao động và có thể xuất khẩu 800 triệu đến 1 tỷ đô trong một năm. Khu Công nghệ cao đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Lâu lắm rồi mới có một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư quy mô lớn như vậy, vì hầu hết quy mô vốn đầu tư thời gian qua rất thấp, bình quân 2 triệu USD/dự án toàn TP” – ông Nhân nói và cho rằng, muốn thu hút hỗ trợ sản xuất thì hướng khuyến khích sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp tại chỗ rất quan trọng.
Từ đó, ông Nhân cho rằng cần phải có một chương trình kêu gọi doanh nghiệp lớn, kêu gọi doanh nghiệp “đại bàng”. “Không biết ‘đại bàng’ bay tới mình hay mình tới tổ kêu gọi họ. Chắc mình phải tới tổ ‘đại bàng’ mời hộ về đây, còn ngồi đợi họ đến thì họ không đến đâu” – ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, cần phải thay đổi cách tiếp cận. Trước tiên cần xác định được các nhà đầu tư lớn để cử đoàn đến tận nước họ và mời chào, kêu gọi đầu tư, chứ không thể thụ động ngồi chờ.
Thời gian qua, TP có một số hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) cũng như tổ chức các hội nghị chuyên đề, đã góp phần củng cố niềm tin đối với nhà đầu tư. Nhưng TP cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay ở khu vực nội thành không còn đất nên cần quy hoạch hạ tầng cho dịch vụ và tổ chức lại để người dân vừa có chỗ ở tốt hơn, vừa có thể khai thác hoặc cho thuê phục vụ dịch vụ.
Ngoài vấn đề trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng kết luận nhiều vấn đề khác.
Liên quan việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ông Nhân cho biết, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách TP.
Đó là các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ và dự án đầu tư xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại quận 2.
UBND TP đã giao Sở Văn hóa và thể thao, UBND quận 2 khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu triển khai các dự án. Phấn đấu quý 1-2020 khởi công dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; quý 4-2020 khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch.
Sơ đồ Vành đai 2 với bốn đoạn sẽ khép kín trong thời gian tới. Đồ họa: HỒ TRANG
Về việc khép kín đường Vành đai 2, ông Nhân cho biết, nếu làm theo cách lâu nay thì đến 2021 - 2022 mới có thể xong toàn tuyến (còn 14 km). Do đó, cầu tìm phương thức mới đẩy nhanh tiến độ, không thụ động chờ thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong chương trình chỉnh trang đô thị, phải tăng tính tự chủ cho quận/huyện để đẩy nhanh tiến độ; phải coi quản lý trật tự xây dựng là giải pháp cấp bách đột phá phải làm, sử dụng thanh tra xây dựng theo phương thức mới, chuyển lực lượng 85% thanh tra của Sở Xây dựng về địa phương; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 1/5.000 và 1/2.000.