Đầu tư 48 km đoạn Vành đai 3 qua TP.HCM

“Bộ GTVT vừa trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3. Tất cả sẽ chờ chủ trương của Chính phủ để chuẩn bị các bước tiếp theo” - ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dự án, cho biết.

Xóa điểm nghẽn giao thông khu vực

tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức của Bộ GTVT đánh giá tiến độ dự án (đã được phê duyệt quy hoạch - PV) đã chậm so với kế hoạch được phê duyệt của Thủ tướng.

“Việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống đường vành đai đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam” - ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, nêu trong tờ trình.

Báo cáo về tính khả thi của dự án, Bộ GTVT cho rằng dự án này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn cho hàng loạt hoạt động kinh tế-xã hội khác ở các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án.

Về mặt giao thông, đường Vành đai 3 cùng với hệ thống đường vành đai (Vành đai 2, Vành đai 4) sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô. cùng đó, cải thiện tình trạng giao thông của TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An.

Chính vì vậy, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 1. tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 19.871 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước 9.729 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư 10.142 tỉ đồng.

Đoạn Vành đai 3 Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức (qua TP.HCM, Bình Dương, Long An) giai đoạn 1 đầu tư mặt đường rộng 24,5 m cho bốn làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/giờ; giai đoạn 2 làm đường cao tốc rộng 67-74,5 m cho 6-8 làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/giờ và làm đường song hành ở hai bên với cấp đường đô thị cho xe lưu thông với tốc độ 60 km/giờ.

Bộ GTVT đưa lộ trình: Trong năm nay sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Từ năm 2019 đến 2022, thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Trong thời gian này cũng tiến hành sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến 2024 sẽ thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2025. Sau năm 2025 sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

Về vốn giải phóng mặt bằng, đối với TP.HCM, Bộ kiến nghị TP ứng trước vốn ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng trong năm 2020-2021 khoảng gần 3.000 tỉ đồng. Ngân sách trung ương sẽ hoàn trả trong thời gian 2021-2025. Với Bình Dương và Long An, hai tỉnh này cho biết ngân sách tỉnh không đủ nên kiến nghị bố trí ngân sách trung ương (Bình Dương: hơn 2.000 tỉ đồng, Long An: 639 tỉ đồng). 

thu hồi vốn sau 23 năm

Về nhu cầu nguồn vốn cho đoạn tuyến này, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). “Hiện, cũng như các dự án khác, khó khăn là nguồn vốn. Điểm mấu chốt của dự án là Chính phủ có chấp thuận phương án tài chính của Bộ GTVT đề xuất không. Khi có phương án này thì mới có các cơ sở triển khai các bước tiếp theo” - ông Thi cho biết.

Bộ GTVT thông tin thêm: Kết quả tính toán của tư vấn, dự án Vành đai 3 có khả năng thu hồi vốn khi được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm.

Theo Bộ GTVT, các nguồn vốn hiện nay tham gia dự án có thể kể đến là sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của chính phủ Úc khoảng 6 triệu USD (136 tỉ đồng), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cam kết tài trợ 629 triệu USD. Đồng thời, ngân hàng này cũng có thể tài trợ bằng việc nâng giá trị khoản vay đáp ứng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá với tuyến Vành đai 3 liên vùng, vốn đầu tư là rất lớn. “Đúng là huy động nguồn vốn lớn là khó khăn nên cần sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng từ bộ, ngành, tỉnh. Bộ GTVT cũng vừa họp với các địa phương để giải quyết bài toán về vốn giải phóng mặt bằng cho dự án” - ông Trường cho biết.

Tổng chiều dài toàn tuyến 48 km

Trước đó, quy hoạch toàn tuyến Vành đai 3 dài 97,7 km, kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 có bốn đoạn. Đoạn 1: Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc và theo hình thức PPP. Đoạn 2: Tân Vạn, Bình Chuẩn (Bình Dương) đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác sử dụng. Chỉ còn đoạn 3: Bình Chuẩn - quốc lộ 22 (TP.HCM) và đoạn 4: Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) chưa được đầu tư xây dựng.

Đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức (đoạn 3-4) có điểm đầu tại Km 16+500 thuộc Bình Chuẩn (Bình Dương), điểm cuối tại Bến Lức giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng chiều dài toàn tuyến này khoảng 48 km. Tổng diện tích đất sử dụng của đoạn 3-4 này gần 430 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm