Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ như trên trong phần kết luận tại hội nghị sơ kết 5 năm tăng cường xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ TP.HCM, sáng 4-3.
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói không chấp nhận việc người dân chịu rủi ro vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: THANH TUYỀN |
Trong phần phát biểu định hướng, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc đến chủ đề năm 2023 và nhấn mạnh, TP quan tâm việc nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả của cán bộ, công chức. Trong những chương trình, kế hoạch giám sát và chuyển đổi số của TP đều nhằm thực hiện điều này.
Bí thư Nên nói, vai trò của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành trong việc đổi mới phương thức, cách làm để nâng cao chất lượng hoạt động là rất quan trọng. Mỗi người cần làm tốt trách nhiệm của mình. Ai giám sát thì tăng cường giám sát, ai thực hiện nhiệm vụ gì thì nhận sứ mệnh để làm tròn trách nhiệm, nếu có khó khăn tới đâu thì báo cáo tới đó.
Ông nói thêm về Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, đổi mới dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề cập đến vấn đề khiến người dân đang lo lắng về tình trạng thiếu vật tư y tế.
Ông khẳng định: “Làm gì thì làm nhưng không thể chấp nhận tình trạng thuốc ở ngoài xã hội có, tiền người dân có mà phải ngồi chờ cơ chế. Người dân bị bệnh tim cần phải đặt stent mà vì cơ chế cho nên chưa đặt được, phải nằm chờ. Không thể chấp nhận rủi ro đó đến với người dân”.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, lãnh đạo đều đã có chỉ đạo tháo gỡ. Vấn đề nào thuộc tầm vĩ mô thì Chính phủ sẽ giải quyết. Còn với TP.HCM, trong thẩm quyền của mình thì cần chủ động tháo gỡ, phải có những hành động “sống” để giải quyết cho dân.
“Có gì vượt tầm thì phải báo cáo ngay. Nếu cấp mình không thể giải quyết được thì còn cấp trên. Thậm chí, sẽ có những quyết định, trách nhiệm về chính trị bằng lương tâm của chính mình”- Bí thư Nên nhắn nhủ.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nêu quan điểm không thể để tình trạng thiếu vật tư y tế khiến người dân hoang mang, lo lắng. Ông đã yêu cầu ngành y tế TP rà soát và có thông báo chính thức với người dân.
"Phải cam kết với người dân TP, với người có nhu cầu điều trị bệnh tại TP.HCM về tình trạng y tế thật rõ ràng, không thể để tình trạng này khiến người dân hoang mang, lo lắng" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói và yêu cầu trong tháng 3, ngành y tế TP phải tập trung nghiên cứu, làm ngày làm đêm để có cách thức giải quyết tình trạng nêu trên.
Những ngày qua, vấn đề thiếu hóa chất, vật tư y tế luôn được các bệnh viện đặt ra với các cấp, các ngành, nhiều bệnh viện liên tục trong tình trạng "loay hoay".
Từ 1-3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã phải tạm ngưng mổ phiên, có khoa trên lịch mổ gần 20 ca nhưng chỉ 6 ca được duyệt.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hai năm nay phải đắp chiếu máy chụp PET, thiết bị xạ phẫu, hai robot phẫu thuật... vì chưa có chính sách để sử dụng.
Tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế đang xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Dù có tất cả 6 máy chụp CT scanner (cắt lớp vi tính) nhưng đến nay chỉ 1 máy hoạt động hết công suất. Vì vậy mỗi ngày có hơn 400 ca được chỉ định qua bệnh viện khác trong TP để chụp CT.
Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi, máy CT scan và máy X- quang hoạt động bình thường. Vật tư sử dụng trong phẫu thuật, hóa chất dùng trong xét nghiệm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ bệnh nhân.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Y tế về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, các cơ sở y tế đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để mua sắm thuốc, sửa chữa trang thiết bị. Tuy nhiên, các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm và sửa chữa trang thiết bị y tế vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do không xác định được giá dự toán của gói thầu, hết hạn giấy phép nhập khẩu và giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, khó thực hiện đấu thầu qua mạng…