Sáng 3-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng giảm 6,3%. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. FDI thực hiện 2 tháng đạt 2,55 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP |
Phân tích thêm một số nguyên nhân của những tồn tại trên, Thủ tướng nhìn nhận phản ứng chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức. Sự phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chưa thực sự hiệu quả, chưa đi tới tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ ngành, địa phương cần chủ động bám sát, đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp để điều hành cân bằng, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung cho công tác quy hoạch theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn xa, chiến lược, tư duy đột phá.
Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách năm 2023; quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông.
Tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không được ách tắc.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Rà soát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ KH&ĐT hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn chương trình phục hồi và phát triển; phối hợp với NHNN nghiên cứu điều chuyển ngân sách của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho phù hợp.
Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được. Công tác điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Bộ Công Thương rà soát, thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững...
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong đó, có việc hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.