Sáng 27-10, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp đã tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) TP.HCM và thành lập ban quản lý (1992- 2022).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đã đến tham dự hội nghị tổng kết.
Sự kiện còn có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và TP.HCM qua các thời kỳ.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sau 30 năm, kể từ khi KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của cả nước được hình thành, TP.HCM đã có thêm 17 KCX, KCN khác đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm, những mô hình này thu hút về cho TP hơn 260 triệu USD, chiếm 58% vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn.
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá việc thành lập các KCX, KCN tại TP.HCM giúp rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo ông, việc tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển nhằm đánh dấu một chặng đường quan trọng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.HCM.
“Sự kiện giúp chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, các cấp chính quyền các thời kỳ và cả người dân, doanh nghiệp đã đồng hành cùng TP”- Bí thư Nên nói và gửi lời tri ân đến tất cả, đặc biệt là người dân đã đồng thuận, tin tưởng giao đất cho nhà nước để thành lập các KCX, KCN.
Ông nói, 30 năm nhìn lại TP rút ra nhiều bài học kinh nghiệm rất có giá trị về tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết đoán của các thế hệ. Đó còn là tinh thần đổi mới liên tục, luôn năng động sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Từ đó, ông đề nghị chính quyền TP cũng như Ban quản lý các KCX cần nhìn ra các TP lân cận, các nước trên thế giới để định vị lại TP.HCM phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang ở mức nào để tiếp tục phấn đấu. “Chúng ta phải nhìn ra, nghĩ xa và làm thế nào để phát huy nội lực ngày càng nhiều thì tính tự chủ của chúng ta ngày càng lớn”- ông nhấn mạnh.
Theo Bí thư, TP hiện có nhiều thuận lợi trong quá trình hội nhập, vị thế, vai trò, tiềm lực, uy tín ngày càng cao. TP được giao trọng trách tiếp tục là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước và phải tiếp tục tiên phong trong giai đoạn mới.
Mỗi năm, các KCN, KCX trên địa bàn đã thu hút khoảng 13 tỉ USD cho TP, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 281.000 lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vậy nên, trong bối cảnh công nghiệp hiện nay, ông Nên cho rằng các KCX, KCN buộc phải đổi sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
“Điều này đòi hỏi các KCX, KCN TP tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các công nghiệp già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ, vật liệu mới. Đồng thời đảm bảo vai trò chuyển giao công nghệ…”- Bí thư Nên nói.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra, Bí thư Nên cho rằng cần phải tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; mạnh dạn loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch những KCX, KCN không có tính khả thi. Ban quản lý phải đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu của giai đoạn mới. Cạnh đó, chủ động đào tạo nguồn nhân lực. Ban quản lý phải đặt ra mục tiêu đào tạo ngắn hạn, dài hạn phù hợp từng giai đoạn.
Trước mắt, Bí thư Nên yêu cầu Ban quản lý các KCX, KCN tập trung thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện mô hình phát triển mới theo hướng tăng cường kết nối các KCN, KCX để hình thành các cụm liên kết công nghiệp. Cùng đó, tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, từng bước hoàn thiện quy hoạch, thể chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện phân cấp, ủy quyền.
“Trong giải quyết thủ tục hành chính cũng phải đi đầu về chuyển đổi số, phục vụ tốt các hoạt động đầu tư, thương mại, xây dựng, lao động, thực hiện hiệu quả cơ chế quản lý một cửa tại chỗ, phải cải tiến thế nào để nhanh hơn, hiệu quả hơn, bớt đi những cái thủ công, còn hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”- Bí thư Nên gợi mở.
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào ban quản lý, các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp sẽ tích cực hưởng ứng chủ trương đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững.
TP cần có phương án di dời các KCN gần các đô thị lớn
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đánh giá, sau 30 năm phát triển, các KCX, KCN tại TP đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Thứ trưởng, TP.HCM là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc phát triển KCN gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng KCX, KCN hiện đại, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực...
Nhiều cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước về KCN được Chính phủ sửa đổi, ban hành có xuất phát điểm từ thực tiễn phát triển các KCN của TP.
|
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc phát triển KCX, KCN tại TP.
Đơn cử như chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; hạ tầng phục vụ KCN còn chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư…
Thứ trưởng gợi ý TP.HCM cần đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, cần có phương án di dời các KCN gần các đô thị lớn, các KCN với các ngành nghề sản xuất có ảnh hưởng lớn đến môi trường; có phương án quy hoạch, phát triển các KCN, KCX tại các khu vực xa đô thị trung tâm như huyện Bình Chánh, Củ Chi...; nâng cao tính lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội của các KCN.