Ngày 14-7, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người Cộng sản kiên trung” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh ông Trần Bạch Đằng (15-7-1926 - 15-7-2016).
Gửi bài tham luận đến hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: Hơn 80 năm tuổi đời, với hơn 60 năm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, ông Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Là cán bộ làm công tác tư tưởng, nhà báo, chính luận, ông Trần Bạch Đằng đã thể hiện được tầm tư duy chiến lược. Những suy nghĩ, đề xuất của ông luôn chứa đựng những gợi mở, sắc sảo, mang tính đột phá.
Nguyên Bí thư TP Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với bà Trần Hồng Ánh - con gái của ông Trần Bạch Đằng. Ảnh: TÁ LÂM
Đó là những suy nghĩ, phản ánh của ông Trần Bạch Đằng về phòng, chống những sa sút phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, trong đó có thái độ kiên quyết đấu tranh với tình trạng tham ô, tham nhũng qua nhiều trang viết.
Một trong những kiến nghị của ông được Bí thư Thăng nêu ra là hơn 20 năm trước, ông Trần Bạch Đằng đã kiến nghị về việc ban hành một đạo luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa và trừng trị quốc nạn này, một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. “Đạo luật chống tham nhũng - Tại sao không? Xin nói thêm: Làm cho nhanh trước khi tham nhũng vô hiệu hóa đạo luật chống nó” - ông Thăng lấy dẫn chứng từ bài viết “Luật chống tham nhũng - tại sao không?” đăng tháng 10-1996 của ông Trần Bạch Đằng.
Bí thư Thăng cho biết gần 10 năm sau, tháng 11-2005, kiến nghị này của ông Trần Bạch Đằng mới trở thành hiện thực. “Điều đó cho thấy sự trăn trở, mẫn cảm với thời cuộc của một bậc cách mạng lão thành, nhất là khi toàn Đảng đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” - ông Thăng khẳng định.
Đối với sự nghiệp đổi mới, Bí thư Thăng cho rằng với tính cách luôn nhạy bén, năng động, sáng tạo, tư duy khoáng đạt, ủng hộ, cổ vũ cho những cái mới, ông Trần Bạch Đằng đã có nhiều ý kiến quan trọng, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng.
“Tác phẩm Đổi mới - Đi lên từ thực tế tập hợp 112 bài tuyển chọn của đồng chí viết từ năm 1975 đến năm 2000, với ba phần: Thôi thúc của đổi mới (1975 - 1985), Gian nan những bước đầu (1986-1991), Chín năm cho một cuộc hồi sinh (1992-2000) là minh chứng sâu sắc cho quá trình đồng chí luôn nhiệt thành đồng hành với sự nghiệp đổi mới, bắt đầu từ những "viên gạch" đầu tiên, đến khi đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” - ông Thăng khẳng định.
Theo ông Thăng, rất nhiều vấn đề của đổi mới, từ yêu cầu thôi thúc đến quá trình hình thành đường lối và đạt kết quả, trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng… đều được ông Trần Bạch Đằng nghiên cứu và đúc kết qua những bài viết có giá trị lý luận sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Những bài báo từ “Câu chuyện thứ tư”, “Suy nghĩ cuối tuần” của ông Trần Bạch Đằng duy trì liên tục từ năm 1994, trên thực tế luôn là những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Đó là vấn đề: sự rập khuôn, phát triển kinh tế chạy theo phong trào trong điều kiện các nguồn lực phát triển eo hẹp, thiếu quy hoạch và tầm nhìn. “Tỉnh này có nhà máy sản xuất bia thì tỉnh kia theo gương. Rồi nhà máy sản xuất thuốc lá, nhà máy đường, nhà máy xi măng, luôn cả cảng - tỉnh kia có cảng nước sâu thì tỉnh mình cũng phải có trong khi những cảng đầu tư tốn kém đó sẽ sản xuất ra cái gì, sẽ nhập cái gì lại lùi lại hàng thứ yếu trong tính toán” - ông Thăng nêu lại ý kiến của ông Trần Bạch Đằng và cho biết ông Trần Bạch Đằng còn viết “rập khuôn là một căn bệnh trầm kha, nó trưng bày bộ mặt quan liêu không phải của cơ chế mà của tư duy”.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và các lãnh đạo TP.HCM trao đổi cùng bà Trần Hồng Ánh - con gái của ông Trần Bạch Đằng. Ảnh: TÁ LÂM
Hay trong việc sử dụng ngân sách chung như thế nào cho phù hợp, ông Trần Bạch Đằng viết: “Một trụ sở khang trang mà dùng ngân sách của trung ương là sự lãng phí lớn nhất - lãng phí đồng thời kém phần tự trọng. Nền kinh tế và đời sống tại chỗ không liên quan gì đến vẻ lộng lẫy của một trụ sở”.
Đến câu chuyện cải cách tiền lương, ông Trần Bạch Đằng cũng viết: “Đã đến lúc cần phải đặt đồng lương trước ánh sáng của những phân tích toàn diện, nhìn đường dài và có một chính sách tiền lương hoàn chỉnh, dù mức độ chưa phải cao. Giữa của cải xã hội làm ra với sự phân phối nó cho người lao động cần được cân đối, có được cái cân đối này thì sẽ giảm những tai nạn nghiêm trọng”.
Nêu ra những dẫn chứng này, Bí thư Đinh La Thăng đúc kết: “Không quá lời khi khẳng định những ý kiến trên của đồng chí Trần Bạch Đằng mang tính dự báo, tiên lượng rất cao”.
Ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) tên thật là Trương Gia Triều, sinh năm 1926 tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang; mất năm 2007. Ông tham gia cách mạng từ năm 1941, từng giữ các chức vụ: bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định; phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục; ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; phó Ban Dân vận Trung ương. |