1. Anh Trần Trọng Tân là một đồng chí gắn bó với tôi rất nhiều năm, có thể nói từ khi tôi dự khóa tuyên huấn đầu năm 1963 cho đến bây giờ. Tất nhiên, tôi gắn bó với anh với tư cách anh Hai Tân là người phụ trách nhưng có thể nói rằng những kỷ niệm đối với tôi rất sâu sắc. Cho nên khi nghe tin anh mất, dù biết ngày này rồi cũng sẽ đến song tôi không khỏi bàng hoàng. Đây không chỉ là tổn thất về mặt con người, mà còn là tổn thất về mặt tình cảm, một đồng chí gắn bó với tôi.
Tôi gắn bó sâu sắc nhất với anh là những năm hoạt động trong nội thành. Những năm chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược tết Mậu Thân 1968, anh Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) chủ trương cách mạng phải đứng chân ngay trong sào huyệt địch để tác chiến. Khu ủy phân công bộ phận phụ trách Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thực hiện nhiệm vụ này, lúc đó gồm các đồng chí Trần Bạch Đằng, Trần Trọng Tân, Nguyễn Trọng Xuất, Nguyễn Văn Tương (Mười Ngà), Phạm Thị Đào (Hai Hà), Nghiêm Khả Minh (Bến Nghé)… Anh Hai Tân phụ trách phân ban nội đô.
Ông Trần Trọng Tân tại một buổi góp ý Hiến pháp. Ảnh: TÁ LÂM
Anh Hai Tân vốn là người Quảng Trị, nói tiếng trọ trẹ rất khó để nhập thân với cuộc sống Sài Gòn nhưng anh cương quyết đi vào nội đô. Rồi chúng tôi xây dựng những đội vũ trang tuyên truyền để khoét những lõm chính trị đứng chân như ở ngã tư Bảy Hiền, Gò Vấp, quận 4, Bình Thới… Với tờ báo Cờ Giải Phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, anh phân công đồng chí Nghiêm Khả Minh và tôi phụ trách. Nhà in báo thì do các anh Mười Ngà, Tư Cao, Năm Lăng… đảm nhiệm. Dưới sự chỉ đạo của anh Hai Tân, cánh tuyên huấn chúng tôi đã góp phần quan trọng vào công tác cách mạng trong lòng nội đô, hang ổ chỉ đạo chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Sống và chiến đấu ở nơi hang ổ của địch, đó là những kỷ niệm sâu sắc của chúng tôi với anh Hai Tân trong công tác làm tư tưởng. Trong hoàn cảnh ấy, nếu anh sợ, anh không bình tĩnh, không có dũng khí mà ngồi co rúm ở nhà thì anh không thể ra được sáng kiến. Cái quý nhất của anh Trần Trọng Tân chính là ở một con người từ miền Bắc vào Sài Gòn nhưng anh thâm nhập được ngay và chỉ đạo rất đúng.
2. Một kỷ niệm không bao giờ tôi quên là về một kỳ báo Cờ Giải Phóng xuất bản tại Sài Gòn trong thời gian trận “tập kích chiến lược Mậu Thân” đang diễn ra ác liệt. Hôm đó, sau khi giao bài cho anh Tư Cao để in, tôi nhận lại báo và chuyển cho cơ sở để phân phối. Vì quá gấp, tôi đã không kiểm tra lại. Khi tôi đưa anh Hai Tân bản đầu tiên, anh lật ra xem ngay. Một lúc, anh quay sang hỏi tôi: “Đồng chí đã đọc chưa?”. Tôi nói vì gấp quá nên chưa kịp xem lại. Lập tức anh Hai Tân nói: “Thế này là chết thôi, báo chí mà anh viết như thế này, một là sai rất nhiều, hai nữa là có những chuyện không đáng nói thì anh lại nói ra và có những chuyện thực anh nói không hết và có những chuyện không có thực có khi anh lại mớm ý vào trong bài. Cái đó không được. Tính trung thực của báo chí là anh phải nói đúng sự thật và tính trung thực mới thuyết phục người đọc. Anh dựng chuyện lên, anh có thể lấy lòng người đọc một lúc nhưng về lâu dài anh không thể chiếm được lòng người đọc đâu. Kỳ báo không phát hành được”.
Lời nói đó của anh đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi rất ân hận về lỗi của mình. Nhưng anh thì nói rất từ tốn, nhẹ nhàng. Và chính cái từ tốn, nhẹ nhàng ấy lại càng làm tôi thấm thía bài học về làm báo cách mạng: Phải chân thực và chính xác, vì thực chất đó là công tác vận động quần chúng làm cách mạng.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa, sau Mậu Thân 1968, một lần anh đến nhà tôi để mời tôi đi dự họp nhưng phía trước cửa nhà tôi có một nhóm người đang theo dõi. Anh ấy ngụy trang dưới vỏ bọc là một anh thầu khoán đến nhà tôi để giao dịch. Lúc đó, tôi đề nghị xin phép nghỉ họp. Anh Hai Tân rất quyết đoán và chỉ đạo phải tìm cách bố trí giao liên kịp thời đưa tôi ra vùng giải phóng ngay. Nhờ sự quyết đoán ấy của anh mà tôi không bị địch bắt nhưng đến lượt anh thì anh không thoát được và anh phải chịu tù ở Côn Đảo hơn sáu năm (từ 1969 đến 1975).
Sau giải phóng, ở Đại hội Đảng lần thứ VI anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Gặp anh tại Đại hội năm 1986, tôi nhớ mãi câu nói của anh về sự nghiệp “đổi mới”: “Tinh thần dân chủ đang trở thành sức mạnh thúc đẩy Đổi Mới”. Lúc đó mà nêu được tư tưởng như thế không phải là đơn giản, đến nay vẫn còn rất thời sự.
Anh Hai Tân là một đồng chí rất kiên định trong suy nghĩ của mình về công tác tư tưởng. Hôm nay đau buồn vĩnh biệt anh nhưng kỷ niệm về anh sống mãi trong chúng tôi, người nặng lòng với sự ngiệp tư tưởng - văn hóa của đất nước.
NGUYỄN TRỌNG XUẤT, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM
Giữ trọn đạo làm người Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là bị suy thoái từ gốc. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một tòa án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người. Ông TRẦN TRỌNG TÂN |