Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân qua đời

Ông Trần Trọng Tân tại một buổi góp ý Hiến pháp.

Tên thật của ông là Trần Trọng Hoãn, sinh ngày 15/10/1926 tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ lúc còn là học sinh. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946, ông từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị (1950), Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (1961-1967), Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia (1980-1986).

Trong kháng chiến chống Mỹ, có thời kỳ ông Trần Trọng Tân hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, giam nhiều năm ở Chuồng Cọp cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và VII đã bầu ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương. Ngày 19/8/1991, ông thôi giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, đến năm 1996. Ông cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ 7-8 (từ 1998 đến 2009), trước khi nghỉ hưu.

Suốt cuộc đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của Đảng, ông Trần Trọng Tân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Nhất của Campuchia, Huân chương vì sự nghiệp Tư tưởng Văn hóa.

Lễ viếng ông Trần Trọng Tân được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3), bắt đầu từ 11 giờ ngày 5/8. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 7/8, an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố, quận Thủ Đức.

Đánh giá về ông, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM Nguyễn Trọng Xuất cho rằng ông Trần Trọng Tân là người rất tâm huyết với vấn đề xây dựng Đảng. Trong một lần nói về “Khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống”, ông Trần Trọng Tân từng nói, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là bị suy thoái từ gốc. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm