Sài Gòn dậy mà đi

Sài Gòn dậy mà đi ảnh 1

Sách vừa được NXB Trẻ ấn hành quý IV-2012 - Ảnh: L.Đ.

Nghìn hố sâu ngăn cách vô cùng/ Mỗi người dân mang một chiếc cùm/ Khản cổ kêu gào áo cơm dân chủ...”.

Những vần thơ của anh Lê Văn Nuôi ngày nào viết trong khám Chí Hòa vừa được tìm thấy, trở thành nội dung tươi mới thời sự trong tập ký Sài Gòn dậy mà đi, do NXB Trẻ tái bản từ lần in năm 2000.

Có tất cả 25 bài thơ hừng hực chất lửa, thấm đẫm nhiệt huyết tuổi trẻ trước vận mệnh dân tộc và chan chứa nghĩa tình với bạn bè, đồng đội, đồng chí cùng chung lý tưởng. Người thủ lĩnh thanh niên Lê Văn Nuôi năm nào cho biết chính những vần thơ anh làm nơi ngục tù được bí mật chuyển ra ngoài, tạo thêm khí thế đấu tranh cho tầng lớp học sinh sinh viên trong lòng đô thị Sài Gòn.

Tập ký sự bắt đầu từ hình ảnh của những chiếc áo trắng xuống đường, một thế hệ học sinh sinh viên Sài Gòn đã xuống đường đối mặt với dùi cui, lựu đạn cay và đòn đàn áp tàn bạo của chính quyền. Truyền thống đấu tranh trong lòng đô thị được hình thành từ những tấm áo trắng mong manh tinh khôi mà mạnh mẽ quyết liệt ấy. Chỉ là những dòng ký sự, nhưng tác giả là người trong cuộc, nên những cuộc đấu tranh với chế độ độc tài, đấu tranh cả với chính quyền Lon Nol khi đồng bào Việt Nam bị sát hại tại Campuchia, đốt xe Mỹ, bãi trường, biến những đám tang của người hi sinh thành cơ hội đấu tranh lan rộng... là những sự kiện được chính chứng nhân thuật lại, có giá trị lịch sử và sống động về một thời hào hùng.

Một phần quan trọng của tập ký là không khí tranh đấu trong tù, bởi đó là môi trường khắc nghiệt tận cùng, thử thách tận cùng và cũng là chốn hiếm hoi có thể khơi dậy bất kỳ cuộc tranh đấu nào. Ấy vậy mà Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn Lê Văn Nuôi và những đồng đội của anh làm được. Đọc những dòng ký của anh mới biết cái khắc nghiệt của đời tù; mới biết chàng thanh niên Cao Lập ngày xưa cũng từng vì lén giữ tờ báo cho các bạn tù mà bị tố cáo, bị tra tấn tàn nhẫn; mới biết “hạ sách” lưu đày tận Côn Đảo cũng không làm chùn bước đấu tranh của những thanh niên vốn dĩ đang tuổi ăn tuổi học và lẽ ra họ vẫn bình yên cắp sách đến trường nuôi ước vọng học nên người để phụng sự xã hội.

Nhưng thời cuộc đã bẻ ngoặt họ sang một hướng khốc liệt, mất mát, và cũng rất hào hùng, tất cả góp vào ngọn triều cách mạng trong khắp cả nước. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận xét “ký của Lê Văn Nuôi đôn hậu”, và cũng chỉ có tấm lòng đôn hậu kinh qua lửa khói bạo tàn, anh mới thấu cảm và chia sẻ với những người như André Marcel Menras và Jean Pierre Debris - những bạn bè quốc tế hết lòng vì người dân đất nước Việt Nam xuyên suốt nhiều thời kỳ.

Và cũng với tấm lòng đôn hậu, trong cực cùng khắc nghiệt của đời sống - chốn lao tù - anh vẫn làm thơ. Những vần thơ đầy bản lĩnh sẽ mãi là lời nhắc nhở không lúc nào lạc hậu cho sự phấn đấu vì các giá trị cách mạng.

Theo LAM ĐIỀN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm