Bí thư TP.HCM: 'Sức khỏe' kinh tế TP chưa thực sự phục hồi sau bạo bệnh

(PLO)- Bí thư TP.HCM cho rằng “sức khỏe” kinh tế TP chưa thực sự phục hồi sau cơn bạo bệnh, do vậy TP cần đánh giá lại một cách nghiêm túc nhất những việc đã làm để đưa kinh tế TP vượt qua giai đoạn này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội Quý I và nhiệm vụ, giải pháp Quý II năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Tăng trưởng GRDP quý I chỉ tăng 0,7%

Phát biểu gợi mở tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho hay ba năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; các hoạt động của TP cũng vì thế gặp ảnh hưởng không ít.

Năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhờ sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của đồng bào, nhà nước và kiều bào, TP đã kiểm soát và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến năm 2022, kinh tế TP đã dần phục hồi với những chỉ số rất đáng mừng.

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, TP đã dự tính được năm 2023 có nhiều khó khăn, thử thách. Do đó địa phương đã đề ra chỉ tiêu thấp hơn, đặt quyết tâm thúc đẩy các hoạt động để thích ứng, tìm cơ hội vượt qua khó khăn.

"Tuy nhiên chúng ta không ngờ đến là các chỉ số thấp ở mức sâu như thế, tăng trưởng GRDP quý I chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ" - Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ và nhìn nhận chính kết quả này đã khiến chúng ta phải nhìn lại và phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy kinh tế TP phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng “sức khỏe” kinh tế TP chưa thực sự phục hồi sau cơn bạo bệnh, đó là hậu quả của một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ còn để lại. Do vậy, từng ngành, từng lĩnh vực của TP cần ngồi lại đánh giá một cách nghiêm túc nhất những việc đã làm, từ đó đề ra những kế hoạch, nhiệm vụ cho những quý còn lại của năm 2023 và chuẩn bị cho nhiệm vụ của năm 2024.

Quý I-2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới chỉ đạt 2%. Ảnh: NGUYỆT NHI

Quý I-2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới chỉ đạt 2%. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 2%

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Quý I và triển khai công tác Quý II, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Sở KH&ĐT TP, cho biết bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được thì kinh tế TP vẫn còn những hạn chế.

Cụ thể, kinh tế TP tiếp tục đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP không đạt chỉ tiêu; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao. Tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm...

Từ những cơ sở trên, UBND TP đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý II nhằm thúc đẩy kinh tế TP phát triển. Trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Chủ động phối hợp với các Ủy ban Quốc hội và các cơ quan Trung ương tiếp thu, rà soát Đề án dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5. Cùng với đó, chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đẩy nhanh tiến độ công tác lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch TP Thủ Đức, định hướng phát triển huyện Cần Giờ.

Tiếp tục thực hiện Chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Sở KH&ĐT TP.HCM, báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Sở KH&ĐT TP.HCM, báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy cơ chế hoạt động của ba Tổ công tác, tập trung giải quyết các nhóm vấn đề lớn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Xem xét, đề xuất việc đầu tư dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP. Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, Dự án Rạch Xuyên tâm; Nút giao An Phú; mở rộng Quốc lộ 50...

Tăng cường quản lý việc chi ngân sách, hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán. Thúc đẩy và phát triển kinh tế ban đêm. Tập trung hoàn thành các đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công…

Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; tổ chức rà soát, có phương án hiệu quả xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Nghiên cứu phát triển các tuyến, bến bãi đường sông trên sông Sài gòn; nghiên cứu triển khai mô hình TOD, đầu tư đường sắt đô thị theo hình thức PPP trên cơ sở Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Tiếp tục triển khai nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm, mở rộng trên toàn địa bàn TP; tái khởi động lại các dự án, đề án xây dựng bãi giữ xe cho TP.

Tập trung các giải pháp đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế. Tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Đề án 06...

Sớm hoàn thiện Đề án thu hút FDI

Ngay trong tháng 4, UBND TP sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện Đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ cho TP.

Rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỉ lệ tăng trưởng bốn ngành công nghiệp trọng điểm và chín ngành dịch vụ. Rà soát các quy hoạch của TP gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng chính sách phát triển công nghiệp TP trong bối cảnh mới; xây dựng Đề án Mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu.

Nghiên cứu, đề xuất cải cách một số thủ tục hành chính trọng tâm đối với một số ngành, lĩnh vực còn nhiều ý kiến phản hồi thiếu tích cực. Tổ chức chu đáo các ngày lễ lớn, đồng thời nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm