Cục Thống kê TP.HCM mới đây đã công bố số liệu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2023.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Datalogic, Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
TP.HCM tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2023 ước đạt 360.622,1 tỉ đồng. GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Với con số này, tăng trưởng của TP.HCM thấp nhất trong số năm TP trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Trong đó, khu vực nông -lâm- thuỷ sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.
Theo thống kê, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Đó là các ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%.
Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất, đạt 24,34% so với cùng kỳ. Chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 60,4% trong GRDP, chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.
Hết quý I-2023, TP ghi nhận 9.129 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí mới là 84.335 tỉ đồng, tăng 7,7% về số lượng và giảm 39,8% về vốn đăng ký so với cùng kì.
TP cũng ghi nhận 839 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 6,7 % so với cùng kỳ; có 12.456 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 22,1% so với cùng kỳ; 4.359 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 28,7% so với cùng kỳ.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp trên hệ thống hiện tại là 524.758 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 10.053.259 tỉ đồng.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của TP.HCM khi kết thúc quý I là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được khoảng 497,53 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ.
TP đã cấp mới 216 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 133,15 triệu USD, tăng 70,1% số dự án cấp mới và tăng 30,1% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong quý I-2023, kinh tế TP phải đương đầu với nhiều khó khăn khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy. Cũng trong tháng 3, thế giới ghi nhận sự sụp đổ của các ngân hàng lớn ở Mỹ.
Trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, giãn thuế của các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu...
Tăng trưởng GRDP Quý I của TP.HCM các năm 2020-2023. |
Đầu tư công vẫn nghẽn
TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 43.443,336 tỉ đồng nhưng đến 24-3, TP chỉ mới giải ngân được hơn 952 tỉ đồng, đạt 2% tổng số vốn giao.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, TP đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban về nội dung này. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng liên tục đốc thúc các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng như chủ đầu tư; siết kỉ luật, kỉ cương để thúc đẩy tỉ lệ giải ngân.
TP cũng đặt mục tiêu giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công để làm "vốn mồi", lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư xã hội.
Theo kế hoạch sáng mai (1-4), UBND TP.HCM sẽ họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trong quý II với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM nhìn nhận, mức tăng trưởng của TP.HCM trong quý I-2023 đã được dự báo trước.
Giải pháp được TS Xuân đưa ra là cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công; ưu tiên gỡ vướng, giải ngân đầu tư công cho metro số 1, metro số 2, đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Song song đó, tiếp tục kích cầu nội địa, tất nhiên phải chú ý đến giới hạn để kiểm soát lạm phát.
Theo thống kê, hết quý I-2023, TP.HCM ghi nhận 27.317 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. TP đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 25.153 người.
TP cũng đã giải quyết việc làm cho 80.654 lượt, đạt 26,9% kế hoạch và giới thiệu 37.575 chỗ làm cho người lao động, đạt 26,1% kế hoạch.
TS Phạm Thị Thanh Xuân cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người lao động bằng các chương trình an sinh, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm. Chính quyền cần có sự hỗ trợ kịp thời khi họ mất việc làm, thất nghiệp... Cách này giúp TP giảm đi các tổn thất và chi phí phát sinh do tỉ lệ mất việc còn cao…