Theo đơn khởi kiện của ông T., ông bà kết hôn năm 1990, có đăng ký kết hôn. Sau khi chung sống và có hai con chung, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Đến năm 2011, bà D. làm đơn gửi TAND TP Tuy Hòa xin ly hôn nhưng khi tòa đang thụ lý, giải quyết thì bà rút đơn.
Theo ông T., do mải làm ăn nên ông không quan tâm đến việc tòa giải quyết việc bà D. xin ly hôn như thế nào. Ông cứ nghĩ rằng tòa đã cho vợ chồng ông ly hôn rồi vì từ đó đến nay hai người không còn sống chung nữa. Tuy nhiên, năm 2016 bà D. đến tận chỗ ông làm việc, sinh sống quậy phá nên ông mới biết tòa chưa giải quyết cho vợ chồng ông ly hôn. Vì vậy ông khởi kiện yêu cầu được ly hôn bà D.
Về con chung, ông T. trình bày ông bà có hai người con đều đã trưởng thành. Việc ăn học của hai con là do ông lo, ông đã hoàn thành trách nhiệm của người cha nên không yêu cầu tòa giải quyết.
Trình bày với tòa, bà D. khai trước đây trong quá trình chung sống, bà thường xuyên bị ông T. đánh đập nên làm đơn xin ly hôn gửi tòa án. Do trong quá trình hòa giải, bà bị bệnh phải điều trị lâu ngày nên mới rút đơn. Tuy chưa ly hôn nhưng từ đó đến nay vợ chồng đã ly thân, không ai còn quan tâm đến ai. Do đó, bà cũng thống nhất yêu cầu tòa cho ly hôn.
Xử sơ thẩm mới đây, TAND TP Tuy Hòa nhận định: Sau khi bà D. làm đơn xin ly hôn rồi rút đơn, TAND TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án từ tháng 2-2012. Từ đó đến nay, ông T. và bà D. không còn chung sống, quan tâm tới nhau nữa, tình cảm vợ chồng không còn. Ông T. xin ly hôn, bà D. cũng chấp nhận. Xét thấy mâu thuẫn hai bên đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên HĐXX chấp nhận cho họ ly hôn.