Bị xóa hộ khẩu nhưng không làm thủ tục xoá thì sẽ ra sao?

Được biết từ 1-7 tới đây khi Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực sẽ bổ sung thêm nhiều trường hợp công dân bị xoá đăng ký thuờng trú.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà một số trường hợp thuộc diện bị xoá đăng ký thường trú (xoá hộ khẩu) nhưng chưa hoặc không đi làm thủ tục xoá thì lúc đó việc xoá đăng ký thường trú sẽ được giải quyết như thế nào?

Bạn đọc Thinh Pham

Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Liên quan đến thủ tục xoá đăng ký thường trú, hiện nay đang áp dụng thủ tục được hướng dẫn tại Thông tư 35/2014 của Bộ Công an.

Theo quy định tại Điều 11 của Thông tư 35 thì trách nhiệm làm thủ tục xoá đăng ký thường trú thuộc về đại diện hộ gia đình (chủ hộ). Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp chủ hộ đều đứng ra làm thủ tục xoá thường trú cho thành viên trong hộ của mình.

Do đó, để giải quyết đối với những trường hợp như vậy, tại Khoản 4 của Điều 11 thông tư này đã quy định thủ tục xoá đăng ký thường trú.

Theo đó, quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì công an sẽ tiến hành xóa đăng ký thường trú.

Như vậy, trong trường hợp công dân thuộc diện bị xoá đăng ký thường trú nhưng đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xoá thì cơ quan quản lý cư trú sẽ tự tiến hành các thủ tục để xoá thường trú.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 167/2013 đối với những trường hợp cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú...thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm