Biến đổi khí hậu và vị thế Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-6 đã chính thức xác nhận sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 - một thỏa thuận vốn được người tiền nhiệm Barack Obama đánh giá mang tính bước ngoặt cho toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc (TQ) giành cho mình vị thế lãnh đạo mang tầm mức toàn cầu.

Đi ngược lại toàn cầu

Thỏa thuận khí hậu lịch sử này được 195 nước thống nhất năm 2015, 147 nước đã phê chuẩn, trong đó có tất cả các nước xả khí thải thuộc hàng lớn nhất thế giới. Mục tiêu là cắt giảm khí thải, ngăn cản khí hậu toàn cầu không nóng lên quá 2oC vào năm 2100. Năm 2015, Mỹ thải 5.100 triệu tấn carbon dioxide, nhiều hơn lượng khí thải của cả 28 nước EU cộng lại, chiếm 1/6 lượng khí thải toàn cầu. Theo các nhà khoa học, việc Mỹ từ chối cắt giảm khí thải rất nghiêm trọng về lâu dài. Việc Mỹ không tôn trọng cam kết sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,3 độ C.

Theo thỏa thuận, Mỹ phải cắt giảm 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025. TQ tới năm 2030 cam kết cắt giảm 60%-65%. Còn Ấn Độ tới năm 2030 cắt giảm 33%-35%. Mỹ là nước xả khí thải lớn thứ hai thế giới - chiếm 15% toàn cầu, sau TQ với 20%. Lý giải quyết định của mình, ông Trump cho rằng thỏa thuận không công bằng với Mỹ nhưng để mở khả năng thương lượng lại.

Quyết định của ông Trump đưa Mỹ vào danh sách ba nước duy nhất trên Trái đất không ủng hộ thỏa thuận, cùng với Syria và Nicaragua. Liên Hiệp Quốc (LHQ) và hàng loạt nước lớn như Đức, Pháp, Ý, Anh đã bày tỏ sự thất vọng vì quyết định của ông Trump. Ba nước Đức, Ý, Pháp ra tuyên bố chung khẳng định không có chuyện thương lượng lại thỏa thuận theo đề xuất của ông Trump. Nga cũng đã lên tiếng khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận.

Ông Trump cương quyết rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu bất chấp nguy cơ bị cô lập. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thất vọng vì quyết định của ông Trump, tuy nhiên khẳng định các nước sẽ tiếp tục đi tiếp với thỏa thuận mà không có Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) và TQ cũng thống nhất sẽ tiếp tục vận động thực hiện thỏa thuận mà không có Mỹ. Tuyên bố chung hội nghị EU-TQ vừa rồi ở Bỉ khẳng định tầm quan trọng của chống biến đổi khí hậu với kinh tế và việc làm, thống nhất phát triển thêm công nghệ xanh và từ năm 2020 sẽ gây quỹ 100 tỉ USD/năm giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải.

Đánh rơi vị thế lãnh đạo?

Tân Hoa xã ngày 2-6 mô tả quyết định của ông Trump là một bước thụt lùi toàn cầu, khẳng định nó sẽ không mang lại thêm việc làm cho Mỹ như ông Trump hy vọng.

Theo GS David Schlosberg tại ĐH Sydney (Úc), với bước thoái lui của Mỹ, các nước lớn như TQ, Ấn Độ có thể sẽ không bỏ qua cơ hội thể hiện mình và cô lập Mỹ. Ông cho rằng TQ đang được xem là nước nhiều tiềm năng nhất để thay thế Mỹ trong lãnh đạo thực hiện hiệp định. Tiêu thụ than của TQ đã giảm mạnh trong ba năm qua, lượng khí thải cũng ổn định dần, công tác đối phó ô nhiễm không khí được nỗ lực thực hiện. Nhiều chuyên gia khí hậu nhận định TQ đang có các bước tiến rất suôn sẻ đến mục tiêu cắt giảm khí thải và nhiều khả năng sẽ đạt chỉ tiêu trước thời hạn năm 2030.

Nhiều nhà phân tích đồng tình TQ có khả năng thay Mỹ lãnh đạo nỗ lực thế giới chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên vấn đề chỉ nằm ở chỗ Bắc Kinh có sẵn lòng nhận lãnh trách nhiệm này hay không. Bà Christiana Figueres, cựu quan chức khí hậu LHQ thời gian 2010-2016, nhận định: “Vấn đề không phải TQ cần làm gì mà là TQ có muốn làm gì hay không. Họ chắc chắn vẫn muốn bảo vệ nền kinh tế và sức cạnh tranh của mình trong tương lai”. Tân Hoa xã ngày 2-6 cũng không nói rõ TQ sẽ chớp lấy cơ hội lãnh đạo mà chỉ thông báo nước này sẵn sàng cùng với EU, Ấn Độ tiếp tục các nỗ lực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tin tưởng Bắc Kinh sẵn sàng lấp đầy khoảng trống Washington để lại. Nhà nghiên cứu chính sách toàn cầu Li Shuo cho rằng TQ biết rõ không có thời điểm nào tốt hơn để nước này nắm quyền lãnh đạo thỏa thuận, cải thiện thành tích chống biến đổi khí hậu của mình. Trong khi đó, theo GS luật môi trường Ann Carlson tại ĐH California (Mỹ), TQ sẽ “vừa có tiếng vừa có miếng” khi về lâu dài nước này đủ sức vượt mặt Mỹ trong sản xuất năng lượng sạch - ngành công nghệ của tương lai.

Theo nhiều nhà quan sát, TQ không phải là nước lớn duy nhất đang nhắm tới vị thế lãnh đạo thỏa thuận. Ấn Độ và Pháp cũng là các ứng viên tiềm năng. Trong những chủ đề Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bàn luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp ngày 27-5 vừa qua, biến đổi khí hậu cũng rất được chú trọng. Là một trong những nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới nhưng trong ba năm qua thành tích phát triển năng lượng sạch của Ấn Độ đã tăng gấp ba lần.

Về lý thuyết, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận theo lời ông Trump, tuy nhiên thực tế có vẻ là một câu chuyện khác. Nhiều bang, nhiều địa phương Mỹ như California và New York - hai bang tạo khí thải nhiều nhất nước Mỹ, chiếm 20% lượng khí thải cả nước - đã lên tiếng cho biết sẽ chủ động cắt giảm khí thải bất kể quyết định của ông Trump. Thậm chí sẽ còn nhiều địa phương tiếp bước. Đầu tháng 5, thống đốc 12 bang của Mỹ đã cùng viết thư đề nghị ông Trump duy trì thỏa thuận.

Từ thời điểm ông Trump công bố quyết định cho tới lúc Mỹ thật sự không còn ràng buộc với thỏa thuận sẽ phải mất vài năm, cụ thể là đến tháng 11-2020, theo CNN. 2020 là năm bầu cử tổng thống tiếp theo của Mỹ và chắc chắn vấn đề khí hậu sẽ là một chủ đề nóng trong cuộc chạy đua tổng thống.

__________________________

“Đưa hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích quyết định của ông Trump và nhại lại khẩu hiệu của ông khi còn tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm