Quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, thực hiện cam kết của mình lúc tranh cử.
Tại hội nghị G7 tuần trước, 6 nước thành viên Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh đã cùng ra tuyên bố cam kết tôn trọng thỏa thuận. Mỹ là thành viên duy nhất từ chối tán thành. Ông Trump nói mình cần thêm thời gian suy nghĩ.
Từ khi ông Trump hoãn binh đã không còn nhiều người tin rằng ông sẽ để Mỹ ở lại với thỏa thuận này. Và chỉ vài ngày sau khi trở về Mỹ ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Ông Trump tại hội nghị G7 tuần trước ở Ý. Từ khi ông Trump hoãn binh đã rất ít người tin rằng ông sẽ ở lại với thỏa thuận khí hậu. Ảnh: NEW YORK TIMES
Lý do nào khiến ông Trump quyết định như vậy? Theo trang tin Sandiego Union Tribune, có 3 lý do chính khiến ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận mà người tiền nhiệm Barack Obama đã rất nhiệt tình ủng hộ.
Áp lực chính trị trong nước
Ngày 25-5, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa cấp cao - trong đó có lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và cựu ứng viên tổng thống Cộng hòa Ted Cruz - đã gửi ông Trump một lá thư đề nghị rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Theo họ, việc Mỹ ràng buộc với thỏa thuận sẽ cản trở nỗ lực thay đổi các quy định về môi trường được lập từ thời tiền nhiệm Obama.
“Rõ ràng ông phải chia sẻ cam kết cắt giảm gánh nặng quy định với các doanh nghiệp để tạo thêm việc làm và thúc đẩy kinh tế. Một cản trở chính với mục tiêu này là ràng buộc với thỏa thuận Paris”.
Một số tập đoàn lớn như Shell, BP, PG&E muốn ông Trump ở lại thỏa thuận. Tuy nhiên nhiều hiệp hội công nghiệp trong đó có Hiệp hội Khai thác mỏ Quốc gia làm áp lực để ông Trump bỏ thỏa thuận.
Nặng gánh trong cam kết
Nhiều quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson và cả con gái Ivanka Trump muốn Mỹ ở lại với thỏa thuận với mục đích duy trì tiếng nói của Mỹ trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ Scott Pruitt muốn ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận mà ông gọi là thiếu công bằng với Mỹ này.
“Đó là một thỏa thuận tệ hại với Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ không có nghĩa vụ cho tới tận năm 2030, trong khi chúng ta phải chịu mất mát trước” - ông Pruitt nói hồi tháng 4.
Theo thỏa thuận, Mỹ phải cắt giảm 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025. Trong khi đó Trung Quốc phải tới năm 2030 mới phải thực hiện cam kết cắt giảm 60%-65% mức khí thải năm 2005. Ấn Độ cũng tới năm 2030 mới phải bắt đầu cắt giảm 33%-35% mức khí thải năm 2005.
Đồng tình với ông Pruitt, nghị sĩ Cộng hòa John Barrasso chỉ trích thỏa thuận đặt ra tiêu chuẩn với Mỹ cao hơn phần lớn thành viên trên thế giới, trong khi đó lại ưu ái Trung Quốc về thời gian.
Hoài nghi về khoa học khí hậu
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định, nhiều nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học cho thấy 97% hoặc hơn số nhà khoa học khí hậu đồng ý rằng việc trái đất nóng lên trong thế kỷ qua chủ yếu là do hoạt động của con người.
Tuy nhiên ông Trump không tin kết luận này. Suy nghĩ về vấn đề biến đổi khí hậu từng được ông Trump nói rõ ràng trên trang Twitter, rằng ông thiếu niềm tin vào khoa học chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của trung tâm thăm dò Pew tháng 10-2016 cho thấy các nghị sĩ đảng Cộng hòa không tin tưởng nhiều vào khoa học khí hậu. 57% nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ cho rằng sở dĩ các các nhà khoa học đưa ra các kết luận nghiên cứu khí hậu hiện tại là vì muốn thuận lợi cho sự nghiệp của mình. Tỉ lệ này ở đảng Dân chủ là 16%.