Biên đội tàu bám Hoàng Sa

Trước thông tin Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông (từ ngày 16-5) một cách ngang ngược, những chiếc tàu công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… vẫn nối sóng vươn khơi. Trong những biên đội tàu bám biển hùng hậu ấy có cả những chiếc tàu hậu cần mang theo dầu, thực phẩm… để tiếp tế cho các tàu cá đánh bắt dài ngày.

Sát cánh nhau cùng bám biển

Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, tàu cá Đna-90351 của thuyền trưởng Lê Văn Chiến cùng bảy tàu khác trong tổ tương hỗ số 9 lại tất bật chuẩn bị ra khơi. Được mệnh danh là biên đội “sói biển” trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, các tàu trong tổ của ông Chiến đều có công suất 350-500 CV, trang bị phương tiện khá hiện đại. Mỗi lần ra khơi, các tàu nối đuôi nhau chiếm lĩnh ngư trường. “Từ ngày các biên đội tàu bám biển ra đời, anh em có điều kiện hỗ trợ nhau nên hạn chế rủi ro, nguy hiểm, hiệu quả khai thác, đánh bắt cũng nâng cao rõ rệt” - ông Chiến nói. Chuyến đi biển vừa qua, tàu ông Chiến đánh bắt gần 15 tấn cá ngừ, lợi nhuận cao gấp hai lần so với các chuyến biển trước.

Theo ông Lê Dũng, thuyền trưởng tàu Đna-90323, hiện Đà Nẵng đã thành lập nhiều tổ đội thường xuyên đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển kéo dài từ Hoàng Sa xuống Trường Sa. “Hầu hết các quận có truyền thống đi biển như Thanh Khê, Sơn Trà… đều thành lập 2-3 tổ đội bám biển. Các thành viên trong biên đội tàu có công suất 250-500 CV trở lên có thể kéo dài chuyến đi gần cả tháng trên biển” - ông Dũng cho biết.

Biên đội tàu bám Hoàng Sa ảnh 1

Đội tàu công suất lớn của ngư dân miền Trung bước vào mùa biển. Ảnh: TẤN TÀI

Mỗi tổ đội ra khơi đều do chiếc tàu có công suất lớn dẫn đầu được ngư dân ví von như “cánh chim đầu đàn” giữa trùng khơi. Thuyền trưởng tàu Đna-90052 Lê Văn Tiến cho hay: “Ngày trước các tàu ra khơi lẻ tẻ, đánh bắt xa nhau nên không thể chia sẻ thông tin về luồng cá. Thành thử có hôm dò trúng luồng cá lớn các tàu cũng không biết gọi ai. Giờ có tổ, đội 5-6 tàu nên mọi người cùng đánh bắt”.

Thành lập từ giữa năm 2012, đội tàu câu mực gồm bốn chiếc do tàu Đna-90567 của ngư dân Trần Văn Mười dẫn đầu được đánh giá lớn nhất nhì miền Trung. Đứng trên con tàu gần 1.000 CV trị giá gần 4 tỉ đồng, anh Mười tâm sự: “Từ ngày có tàu lớn, tôi cùng một số tàu khác như tàu anh Tâm, anh Đức… sát cánh với nhau, cùng vươn khơi đánh bắt”. Ngang dọc suốt một dải biển từ Hoàng Sa xuống Trường Sa, biên đội tàu câu mực của anh Mười rải đều khắp các ngư trường lớn.

Theo sau các biên đội tàu đánh bắt là những tổ tàu hậu cần nghề cá với công suất 400-600 CV chuyên thu mua hải sản và “tiếp tế” dầu, nước ngọt cho các tàu cá. Ông Lê Văn Sang, thuyền trưởng tàu hậu cần Đna-90444 TS, cho biết: “Từ ngày các tàu lớn liên kết ra khơi đánh bắt, việc hậu cần, tiếp tế lương thực, đá, xăng dầu… cho các tàu này cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Mỗi vị trí tiếp tế có 3-4 tàu cá nên mỗi chuyến đi của tàu hậu cần rút ngắn xuống 3-4 ngày so với trước”. Từ giữa tháng 4 đến nay, tàu hậu cần của thuyền trưởng Sang đã thực hiện gần 10 chuyến thu mua hải sản từ các tàu quanh vùng biển từ Hoàng Sa vòng xuống Trường Sa.

Biên đội tàu bám Hoàng Sa ảnh 2

Mang sản phẩm đánh bắt được từ ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam về đất liền. Ảnh: TẤN TÀI

“Mặc kệ lệnh cấm Trung Quốc, chúng tôi vẫn ra khơi!”

Thông tin về tàu cá QNg-96382 của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin vào cuối tháng 3 vừa qua cũng không làm lung lay ý chí bám biển của ngư dân miền Trung. Với những ngư dân như ông Chiến, ông Dũng, ông Sang…, việc “chạm trán” với tàu chiến, tàu hải giám, thậm chí cả máy bay quân sự của Trung Quốc là chuyện xảy ra như cơm bữa. “Thời gian gần đây, tàu Trung Quốc vây ngư dân mình dữ lắm. Mới đây, khi đội tàu chúng tôi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, gần khu vực đảo Đá Bắc khoảng 10 hải lý thì phát hiện một tốp tàu cá Trung Quốc hùng hổ xông đến. Chúng quây thành vòng tròn, vây ba tàu của ta vào giữ. Thấy bọn chúng đứng chửi bới, gây sự, anh em chúng tôi tăng hết tốc lực, chạy ngược về hướng Đông-Nam hơn bảy hải lý rồi dừng lại đánh bắt” - thuyền trưởng Lê Dũng cho biết.

Vừa trở về sau gần bốn ngày đi “gom hàng” trên biển, ông Sang cho biết đội tàu hậu cần vừa giáp mặt với một tàu khảo sát biển của Trung Quốc. Tàu này đã xua đuổi các tàu cá ra khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa để chúng thả cáp thăm dò. Hay trong chuyến đi biển cuối tháng 4 vừa qua, tàu cá Đna-90304 của thuyền trưởng Trương Văn Minh đang thả lưới ở phía nam quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải quân Trung Quốc bắn những cục sắt lớn lên tàu dọa nạt. Chiếc tàu chiến này đã áp sát, buộc tàu cá của thuyền trưởng Minh phải rời khỏi vị trí neo đậu.

“Từ ngày thành lập các biên đội tàu bám biển, những ngư dân miền Trung đã vững vàng, tự tin hơn trong “cuộc chiến” chống lại các tàu cá bọc sắt, tàu hải giám của Trung Quốc. Biển của mình thì mình đưa tàu ra đánh bắt, khai thác, chẳng gì phải sợ. Họ hung dữ tấn công, đe dọa nhưng chúng tôi không sợ. Từ đời cha, đời ông ta đã vươn khơi đánh cá, câu mực trên vùng biển này thì con cháu đời sau cứ thế tiếp nối” - thuyền trưởng Lê Văn Sang nói.

Khi chúng tôi nói về lệnh cấm bắt cá ở biển Đông của Trung Quốc, những vị thuyền trưởng Hoàng Sa vẫn không chút lo sợ. “Họ cấm thì kệ họ, chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt bình thường” - thuyền trưởng Chiến quả quyết.

Đóng tàu lớn để vươn khơi

Vừa hạ thủy con tàu Đna-90521 công suất 880 CV, bà Lê Thị Huệ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng đám bạn thuyền khẩn trương chuẩn bị ngư cụ thẳng tiến ra biển Hoàng Sa. Chỉ trong vòng một năm, bà Huệ đã đầu tư gần 10 tỉ đồng để đóng hai con tàu công suất lớn. Trước đó, con tàu 90442 công suất trên 600 CV cũng được hạ thủy và đang hành nghề trên vùng biển Trường Sa. “Đóng được hai con tàu công suất lớn nên chúng tôi chuyển sang đánh biển xa, lợi nhuận cao hơn trước nhiều. Nếu tình hình thuận lợi thì không mấy chốc sẽ hoàn lại vốn” - bà Huệ vui mừng nói.

Tương tự, tàu lưới vây gần 700 CV của ngư dân Lê Văn Ninh (quận Liên Chiểu) vừa xuất xưởng đã tung hoành giữa đại dương. “Đi tàu nhỏ lỡ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi thì chạy không kịp, bị chúng làm dễ làm khó. Giờ có tàu lớn, mình có thể yên tâm ra khơi đánh bắt mà không sợ ai” - ông Ninh nói.

Những ngày này, tại các xưởng đóng tàu Đà Nẵng, công nhân tất bật làm việc để sớm hạ thủy những tàu cá công suất lớn cho ngư dân kịp ra khơi mùa biển. Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, trong bốn tháng đầu năm 2013, Đà Nẵng đóng mới bảy tàu cá có công suất 400-750 CV trở lên. Hiện có 55 tàu công suất lớn (trên 400 CV) “chuyên trị” các ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm