Biển Đông: Campuchia hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC

Tờ Phnompenh Post đưa tin Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia tối 7-8 ra thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Prak Sokhonn cho biết Campuchia hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo ông Sokhonn, việc nối lại đàm phán COC phản ánh cam kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trong việc duy trì ổn định khu vực bằng cách quản lý những khác biệt theo luật pháp quốc tế.

“Về Biển Đông, Campuchia hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC thể hiện ý chí và cam kết mạnh mẽ của ASEAN và Trung Quốc nhằm duy trì ổn định khu vực bằng cách quản lý các khác biệt trên cơ sở hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982” – ông Sokhonn cho biết.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn tham dự ARF. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO CAMPUCHIA

Theo thông cáo, Bộ Ngoại giao Campuchia nêu bật những đóng góp của ARF trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Ông Sokhonn nhấn mạnh vai trò nòng cốt của ARF là một diễn đàn đa phương cho tham vấn, xây dựng lòng tin và thúc đẩy lòng tin ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cho biết diễn đàn này nên sử dụng ảnh hưởng để củng cố tình đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

ARF cũng có thể hỗ trợ nối lại liên lạc liên Triều bằng cách khơi dậy lòng tin và sự tin cậy giữa hai miền Triều Tiên.

Ông Sokhonn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết và hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hướng tới một phản ứng tập thể và hiệu quả đối với đại dịch COVID-19 cũng như sự phục hồi sau đại dịch.

Theo thông cáo, hội nghị cũng thảo luận về định hướng tương lai của ARF và nhất trí duy trì diễn đàn như một nền tảng thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua đối thoại và triển khai các hoạt động thúc đẩy xây dựng lòng tin và sự tin cậy giữa các bên tham gia.

Ông Sokhonn nhấn mạnh ý nghĩa của ARF trong việc thúc đẩy hợp tác lấy ASEAN làm trung tâm trong các vấn đề chính trị và an ninh khu vực. 

Về vấn đề này, các bộ trưởng ARF cũng chia sẻ quan điểm về giá trị của việc bước vào giai đoạn ngoại giao phòng ngừa trong tiến trình ARF, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề mới nổi và những bất ổn ảnh hưởng đến khu vực.

Trước đó, tại ARF, Mỹ và Nhật hôm 6-8 đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, trong đó Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tuyên bố rằng những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đang "tiếp tục và ngày càng gia tăng", hãng thông tấn Kyodo News đưa tin.

Đây được xem như một lời chỉ trích ngầm đối với sự quyết đoán của Bắc Kinh tại khu vực.

"Nhật phản đối mạnh mẽ điều này" – ông Motegi nói trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh "tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật biển quốc và chấm dứt hành vi khiêu khích ở Biển Đông".

ARF với 27 thành viên được coi là hội nghị chính trị và an ninh lớn nhất ở khu vực châu Á.

ARF có sự tham gia của 10 nước ASEAN, cùng một số nước khác như Nhật, Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là diễn đàn đa phương hiếm hoi có sự góp mặt của Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới