Biển Đông: Giải mã chiến lược mới của Mỹ trị Trung Quốc

Báo cáo mới nhất về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” của Mỹ được công bố hôm 3-11 có một điểm mới rất đáng chú ý: Lần đầu tiên Mỹ đưa khái niệm “tiếp cận toàn chính phủ” vào kế hoạch thúc đẩy chiến lược của cường quốc này tại khu vực.

Trước đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer, trong bài phát biểu hôm 23-10 tại Viện Brookings, cho rằng Trung Quốc (TQ) đã và đang tiến hành các hoạt động bành trướng ở khu vực, đặc biệt tại biển Đông, thông qua cách “tiếp cận toàn chính phủ”. Từ đó ông Spencer đề xuất Mỹ cần có chiến lược tương tự: Huy động nguồn lực toàn chính phủ, gồm tất cả bộ ngành để đối phó TQ.

Nhận diện chiến lược TQ

“Theo tôi, nhận định trên của ông Spencer là chính xác, thể hiện qua cách TQ huy động nhiều thành phần khác nhau trong xã hội cùng tham gia thúc đẩy các yêu sách, lập trường của TQ về biển Đông, trong nhiều lĩnh vực khác nhau” - TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo đó, ông Hiệp chỉ ra TQ tiến hành những nỗ lực với cách “tiếp cận toàn chính phủ”, trong đó bao gồm: Huy động lực lượng tàu thuyền của quân đội và các cơ quan chấp pháp quấy nhiễu vùng biển của các nước khác, sử dụng các dịch vụ du lịch, hàng không, vận tải biển… của các doanh nghiệp cả quốc doanh lẫn tư nhân để đưa người ra khai thác, sử dụng, tham quan các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp ở biển Đông.

Trên đất liền, TQ in yêu sách “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu, yêu cầu các nhà xuất bản chèn “đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm văn hóa, tiêu thụ không chỉ ở TQ mà còn nước ngoài. Bắc Kinh còn tác động để các nhà sản xuất đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” vào các bộ phim, tác phẩm nghệ thuật. Thủ đoạn này của TQ rất tinh vi và nguy hiểm vì nó do nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện, trong nhiều lĩnh vực nên rất khó phát hiện và ngăn chặn.

GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia quan hệ quốc tế từ ĐH George Mason (Mỹ), nhận định Bộ trưởng Spencer đã phần nào đúng khi đề cập đến cách “tiếp cận toàn chính phủ” của TQ trong việc cạnh tranh vị thế bá chủ thế giới và khu vực. Tuy nhiên, để đối phó với chính sách tổng quát của TQ, Bộ trưởng Spencer chỉ nhấn mạnh đến nhu cầu phối hợp giữa “quân sự và dân sự” và giữa các bộ và cơ quan trong chính quyền liên bang Mỹ, chứ không nhắc đến viêc phối hợp từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương, từ khu vực công đến tư nhân.

“Lý do là vì điều này rất khó thực hiện trong chế độ địa phương phân quyền của Mỹ và quyền hành động khá tự do của người dân Mỹ. Đối với cơ chế quản lý của TQ thì khác. Có những điều TQ làm được nhưng Mỹ thì không” - GS Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Lần đầu tiên tàu hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Philippines tập trận chung ở biển Đông tháng 5-2019. Ảnh: USEMBASSY

Và sách lược dài hạn

Về giải pháp, GS Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cho tới nay, đại đa số các tuyên bố cứng rắn nhằm vào hành vi ngang ngược của TQ ở biển Đông đều xuất phát từ các tướng Mỹ chứ không phải từ Tổng thống Trump. Muốn đối phó hữu hiệu với TQ, lãnh đạo Mỹ trước hết phải đặt quyền lợi chiến lược của Mỹ lên trên khuynh hướng thích dàn xếp (making deals), đổi chác thương mại và nhu cầu tranh cử tổng thống.

Mỹ vẫn còn nhiều hạn chế

GS NGUYỄN MẠNH HÙNGĐH George Mason (Mỹ):

Biển Đông: Giải mã chiến lược mới của Mỹ trị Trung Quốc ảnh 2
GS NGUYỄN MẠNH HÙNG

Số hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải dưới thời ông Trump gia tăng hẳn so với thời ông Obama. Tuy nhiên, trong khi chính quyền Obama không cản được việc TQ xây dựng đảo nhân tạo thì chính quyền Trump bất lực trước việc TQ quân sự hóa các đảo ấy và gia tăng sức mạnh quân sự của họ ở vùng này. Tư lệnh Lực lượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Philip Davidson, phải cảnh báo rằng TQ hiện có khả năng “kiểm soát” biển Đông “trong mọi tình huống”, trừ khi chiến tranh với Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền Trump còn có những hành động làm suy yếu vị thế tương đối của Mỹ, tạo cơ hội cho TQ gia tăng thế lực của mình ở vùng này, đặc biệt là quyết định rút khỏi Hiệp ước hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một mũi dùi kinh tế để tranh giành ảnh hưởng với TQ.

Biển Đông thành “chiến trường” Mỹ-Trung

TS LÊ HỒNG HIỆPViện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore):

Biển Đông: Giải mã chiến lược mới của Mỹ trị Trung Quốc ảnh 3
TS LÊ HỒNG HIỆP

Thời gian qua chính quyền Trump đã tích cực can dự vào vấn đề biển Đông, thậm chí có thể coi Washington đã biến biển Đông thành một trong những “chiến trường” của cuộc chiến tranh lạnh mới với TQ. Điều này không chỉ thể hiện qua việc chính quyền Trump nhấn mạnh vấn đề biển Đông trong các văn bản chính sách về quốc phòng, chiến lược, ngoại giao… mà còn cả trên thực địa, cả trong các diễn đàn quốc tế cũng như các mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là Mỹ khó có thể có hành động hiệu quả trên thực tế để ngăn chặn các hành vi của TQ trên biển Đông nếu không muốn xảy ra xung động nóng. Đây cũng là thách thức không chỉ của Mỹ mà còn của cả các nước khác, trong đó có Việt Nam: Làm thế nào để ngăn chặn được sự bành trướng, hung hăng của TQ trên biển Đông, vừa giữ được hòa bình và ổn định khu vực.

“Gần đây, một số quan chức dân sự như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã lên tiếng chỉ trích và có thái độ tương đối cứng rắn hơn đối với TQ. Trong đó, ông Pompeo tuyên bố Mỹ không chống TQ và mong muốn TQ phát triển hòa bình nhưng đồng thời cũng phân biệt rõ ràng giữa nhân dân TQ và chính quyền Bắc Kinh trong cách tiếp cận chính sách của Washington. Ông Pompeo cảnh báo chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách thống trị thế giới và thù địch với giá trị của Mỹ. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao khuyến cáo Mỹ và các đồng minh phải đối đầu trực diện với thách thức từ TQ” - GS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Chuyên gia này nói thêm: Áp lực đương đầu với TQ ngày càng gia tăng ở Mỹ, hướng vào nhiều cơ quan ban ngành, kể cả Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, người quyết định quan trọng nhất vẫn là Tổng thống Trump. Ông Trump gần đây khen Chủ tịch Tập Cận Bình hành động “có trách nhiệm” đối với biểu tình Hong Kong, đồng thời đang tìm cách thương lượng một hiệp định thương mại toàn diện và quan trọng với TQ. Vì vậy, phải chờ xem ý định và quyết tâm của ông Trump trong việc chống TQ thực hiện các hành động bắt nạt, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hoạt động khai thác kinh tế, dầu khí của các nước ở biển Đông.

TS Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng việc đối đầu trực tiếp với TQ và kiềm chế hành vi của họ trên biển Đông rất khó nếu không muốn xảy ra xung đột vũ trang. Vì vậy, Mỹ nên tăng cường sức ép lên TQ trên biển Đông trong luận điệu, chính sách cũng như trên thực địa, trong đó có việc áp dụng cách tiếp cận “toàn chính phủ” như ông Spencer đề xuất.

“Song song đó, Mỹ cũng cần tiếp tục “kiềm chế” TQ ở tầm cao, làm TQ suy yếu thông qua nhiều biện pháp khác nhau như chính quyền Trump đã làm trong thời gian qua. Một khi tổng thể TQ suy yếu, TQ có khả năng sẽ phải bớt hung hăng, phải “lơi tay” ít nhiều trong các vấn đề như biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể cần phải gắn vấn đề biển Đông với các vấn đề khác trong các cuộc đàm phán chiến lược với TQ” - TS Lê Hồng Hiệp nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đang làm việc tại Singapore cũng lưu ý rằng những biện pháp này sẽ không hề dễ dàng, đồng thời cũng chứa đựng những rủi ro nhất định.

Bắc Kinh tiếp cận biển Đông bằng mọi cách

Theo TS Lê Vĩnh Trương, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông, tác giả sách Bàn về Trung Quốc trỗi dậy, TQ tiếp cận biển Đông theo mọi mặt: Từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, từ trong nước ra quốc tế, trên trục không gian và trên cả trục thời gian. Họ đang xúc tiến các chiến lược để dành cho thế hệ TQ mai sau qua việc tiến hành quảng bá sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI), "đường lưỡi bò" và nguy hiểm nhất là xây dựng đảo, chuỗi ngọc trai trái phép ở tất cả các nước BRI đi qua.

Từ năm 1974 đến nay, TQ tận dụng các liên kết lỏng lẻo nhất của các nước (Mỹ, Đài, Nga, Campuchia, Lào) để chiếm dần, lấn dần, vu vạ, dựng chứng cứ, dùng tam chủng chiến pháp phối hợp mua chuộc, đe dọa và phỉnh phờ nhiều nước để củng cố những vùng họ đã lấn, chiếm được ở biển Đông. Họ tạo ra hoặc tham gia và khuynh đảo tất cả diễn đàn từ SCO, ASEAN++, Shang gri La, Hương Sơn, Langcan, MRC. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm