Viện dẫn một nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải Đại học Philippines (UP MSI), ông del Rosario nói rằng Trung Quốc nợ của Philippines hơn 230 tỉ peso (4,6 tỉ USD) do sự tàn phá các rạn san hô và sinh vật biển khác từ các hành động phi pháp của Bắc Kinh.
“Một khi khoản tiền thiệt hại của Trung Quốc được xác định, chính phủ Philippines có quyền thu giữ tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Philippines để thanh toán nợ của Trung Quốc đối với người dân Philippines”, trang tin Rappler dẫn lời ông del Rosario phát biểu tại một cuộc hội thảo qua mạng do Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros chủ trì hôm 8-6.
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario. Ảnh: PHILSTAR
“Những tài sản này có thể bao gồm lợi ích của chính phủ Trung Quốc trong Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) và China Telecom, công ty viễn thông lớn thứ ba ở nước ta”, ông del Rosario nói thêm.
Theo Rappler, Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc (SGCC) đã sở hữu 40% cổ phần của NGCP kể từ năm 2008, dưới thời Tổng thống khi đó là Gloria Macapagal Arroyo. Website của NGCP liệt kê SGCC là “đối tác kỹ thuật” của tập đoàn Philippines. Một bản tin do CNN đăng tải hồi tháng 11-2019 cho biết thông qua SGCC, Bắc Kinh trên lý thuyết có thể ngắt nguồn cung cấp điện cho toàn bộ đất nước Philippines.
Trong khi đó, tập đoàn China Telecom sở hữu 40% cổ phần của liên doanh viễn thông Dito Telecommunity. Các chuyên gia và nhiều quan chức chính phủ đã cảnh báo về những rủi ro an ninh do việc China Telecom tham gia thị trường Philippines.
Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros. Ảnh: FACEBOOK
Hồi tháng 4, Thượng nghị sĩ Hontiveros đã đệ trình lên Thượng viện Philippines một dự luật đòi Trung Quốc bồi thường khoảng 200 tỉ peso. Viện dẫn cùng một nghiên cứu của UP MSI, bà nói Trung Quốc đã tàn phá 1.850 ha ở Biển Đông. Tại cuộc hội thảo ngày 8-6, vị thượng nghị sĩ này than thở về “sự bác bỏ, gần như không phản hồi” của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila trước nghị quyết của bà.
Cũng tại hội thảo, ông del Rosario kêu gọi chính phủ Philippines nêu những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Ông và cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Antonio Carpio cho biết chỉ có một nỗ lực đa phương mới có thể buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan). Phán quyết này đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với Biển Đông.