Quốc gia nào thật sự muốn gây hấn ở biển Đông?

Hôm 30-4, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), đăng tải bài xã luận có nhan đề: “Mỹ đẩy mạnh bá quyền ở biển Đông giữa đại dịch”.

Trước đó (ngày 27-4), báo South China Morning Post đăng tải bài viết của học giả Mark J. Valencia. Bài viết có chủ đề: “Giữa lúc thế giới tập trung chống dịch COVID-19, phải chăng TQ đang khai thác sự mất tập trung ở biển Đông? Quan điểm này chỉ đúng với người tin vào tuyên truyền của Mỹ”.

Trung Quốc: Mỹ hung hăng tại biển Đông

Thời báo Hoàn cầu và học giả Mark J. Valencia có cùng quan điểm: Mỹ đang làm phức tạp tình hình khu vực khi đưa hải quân vào biển Đông, nơi Mỹ không có tuyên bố chủ quyền. Quan điểm này chính là lập luận để phía Bắc Kinh tuyên bố mọi hành động quân sự hóa của TQ tại biển Đông chỉ để phục vụ mục đích phòng vệ (trước Mỹ).

Để minh họa cho quan điểm “Mỹ muốn bá quyền ở biển Đông”, phía báo chí TQ khẳng định: Mỹ quyết tâm can thiệp biển Đông trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, khiến nhiều người tử vong tại nhiều quốc gia. Phía TQ cho rằng Mỹ đã hành động “thái quá”, bởi hai lý do: (i) Hải quân Mỹ đang thiệt hại vì đại dịch nhưng vẫn cố gắng đưa quân đến biển Đông; (ii) TQ đã không triển khai hành động ở biển Đông từ tháng 1-2020, nên Mỹ không cần gây sức ép.

Phía TQ cho rằng “Mỹ tưởng tượng rằng TQ là kẻ thù của Mỹ”, đồng thời Washington đang cố tình can dự quá đáng vào biển Đông để lấy lòng các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định Mỹ vô trách nhiệm với thế giới khi cắt viện trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và không giúp đỡ Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống COVID-19. Trái lại, TQ khẳng định nước này tập trung vào việc hỗ trợ quốc tế chống dịch.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 28-4. Ảnh: GETTY

Kết luận mối quan hệ Mỹ-TQ, truyền thông phía Bắc Kinh cho rằng Washington đang cố tình “thổi phồng” cái gọi là mối đe dọa TQ. Lẽ ra, Mỹ nên đặt vấn đề biển Đông ngoài sự cạnh tranh Mỹ-Trung bởi Mỹ không chính danh (tức không có quyền và nghĩa vụ tại khu vực), sự xuất hiện của Mỹ chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Truyền thông TQ còn cố tình khiêu khích khi cảnh báo bản ghi nhớ chung giữa Mỹ và TQ về các quy tắc ứng xử an toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không (năm 2014) không còn ý nghĩa. Nếu Mỹ tiếp tục can thiệp khu vực thì theo TQ, các va chạm “đáng tiếc” trên biển có thể xảy ra.

Ai mới là kẻ hung hăng?

Thực tế, khác với những gì Bắc Kinh đang rêu rao, TQ đang tiến hành chiến dịch ngoại giao đổ lỗi. Có thể hệ thống lại sự tránh né trách nhiệm, đổ lỗi cho nước khác từ chính những lập trường mà phía TQ đưa ra.

Gần nhất, TQ đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Bắc Kinh. TQ cố tình lờ đi bối cảnh xảy ra vụ việc (vào đầu tháng 4). Thứ nhất, tàu cá Việt Nam đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam). Thứ hai, trong khi tàu hải cảnh TQ lớn hơn, có vũ trang thì tàu cá Việt Nam gần như không có cơ hội cạnh tranh. Vì vậy, nói tàu cá Việt Nam đâm vào tàu TQ là vô lý và ngang ngược. Thực tế, hình ảnh ghi lại và sự xác minh của cộng đồng quốc tế cho thấy TQ vô trách nhiệm trong vụ việc.

TQ đổ lỗi cho Mỹ “can dự thái quá” vào biển Đông khi TQ không có động thái gì từ tháng 1-2020. Thế giới không ai chấp nhận được quan điểm này. Bởi lẽ nhiều quốc gia có bằng chứng chỉ ra: (a) TQ cho vận hành hai trạm nghiên cứu khoa học ở biển Đông từ tháng 1-2020; (b) Bắc Kinh thành lập hai quận đảo, thuộc cái gọi là “TP Tam Sa”; (c) Bộ Nội chính TQ cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) khoảng 80 thực thể ở biển Đông; (d) Tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam; (e) Hải quân TQ chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines; (f) TQ điều đội tàu Địa chất hải dương 8 đầy tranh cãi vào biển Đông, bị Malaysia lên tiếng cảnh giác vì hành vi quấy phá khai thác kinh tế.

Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: NYT

Việc Mỹ cử hải quân và không quân, phối hợp với hải quân Hoàng gia Úc tiến vào biển Đông đều xuất phát từ hành xử của TQ. Vì vậy nếu nói Mỹ cố tình “làm quá” ở biển Đông, thì suy cho cùng cũng xuất phát từ sự hung hăng của Bắc Kinh. Trong khi Mỹ tuyên bố luôn hành xử phù hợp luật pháp quốc tế thì TQ tuyên bố hành xử dựa theo luật của nước này, vốn xung đột với các quy tắc quốc tế mà TQ đã cam kết.

TQ cáo buộc Mỹ và các nước “thổi phồng” mối đe dọa TQ nhưng thực tế lại không đúng như vậy. Tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của TQ không bị bất kỳ nước nào bác bỏ, cho đến khi TQ đơn phương chiếm cứ, bồi lấp, cải tạo, quân sự hóa các thực thể ở biển Đông. Yêu sách đường lưỡi bò của TQ đã bị vô hiệu hóa từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 nhưng Bắc Kinh vẫn kiên trì theo đuổi. Công hàm TQ gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 đều trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên bố bảo vệ đường lưỡi bò. Như vậy, tham vọng xâm chiếm hơn 90% biển Đông theo yêu sách của TQ chính là một mối đe dọa thật sự cho các nước, chứ không phải một sự “thổi phồng”.

Trên thực địa, TQ cho tàu thuyền va đâm tàu thuyền các nước; cho quân đội chĩa súng radar hay bắn laser vào hải quân, không quân các nước. Bắc Kinh từng bước nhân tạo hóa, quân sự hóa rồi thể chế hóa bất chấp việc phá vỡ hiện trạng, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế mà điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bấy nhiêu đủ chứng minh mối đe dọa TQ với tự do hàng hải và chủ quyền quốc gia là hiện hữu, có thật.

Tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần thực hiện chiến lược bắt nạt ở biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP

Chuyện TQ tự cho mình "tập trung vào việc chống dịch" thì lại càng sai. Với những gì đã xảy ra ở biển Đông, giới chính trị gia và học giả quốc tế hầu hết khẳng định đại dịch COVID-19 không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục lấn chiếm biển Đông. Ngoài ra, "ngoại giao y tế" của TQ - điều mà Bắc Kinh minh họa cho nỗ lực của TQ với thế giới trong chống dịch - cũng gây tranh cãi. Chất lượng các đơn hàng không vượt qua bài thử của nhiều nước; đồng thời xuất hiện lo ngại TQ dùng hàng viện trợ để gây sức ép chính trị lên các nước. 

Vậy nên, nếu muốn phác họa chân dung một quốc gia gây hấn lớn nhất ở biển Đông, thiếu trách nhiệm với thế giới trong bối cảnh đại dịch hoành hành, thì đó phải là TQ, trước khi suy xét bất kỳ quốc gia nào khác.

 

Từ đường lưỡi bò vô lý đến Tứ Sa phi pháp

Chính quyền Bắc Kinh gần đây thường sử dụng thuật ngữ “Tứ Sa” cho yêu sách của mình. Theo giới quan sát, Tứ Sa là cách TQ từng bước định nghĩa hóa yêu sách đường lưỡi bò, với phạm vi rộng lớn, cụ thể hơn sự mập mờ của đường lưỡi bò vốn đã bị Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ tính pháp lý.

Bản chất phạm vi của Tứ Sa là cả khu vực mà TQ gọi là Nam hải chư đảo. Theo tuyên bố của Bắc Kinh trong các công hàm gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Nam hải chư đảo gồm quần đảo Đông Sa (đảo đá Pratas), quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và quần đảo Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield).

Trong Tứ Sa phi pháp, đường lưỡi bò vẫn xuất hiện thường trực. Ví dụ, các công hàm số CML/14/2019, CML/11/2020, CML/42/2020 do TQ gửi lên Liên Hiệp Quốc, nước này luôn trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn lại Công hàm số CML/17/2009 (xuất hiện năm 2009) đính kèm bản đồ đường lưỡi bò. Như vậy, về mặt tuyên truyền TQ có sự điều chỉnh khi dùng nhiều cụm từ Tứ Sa nhưng bản chất vẫn là tham vọng nuốt trọn khoảng hơn 90% biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm