Trước một loạt hoạt động đơn phương gây rối của đội ngũ phức hợp các tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu khảo sát hải dương Trung Quốc (TQ), biển Đông dường như đã chuyển sang giai đoạn 3 của chiến lược “xâm lấn vùng xám” mà TQ đã triển khai nhất quán từ năm 2009.
Hai giai đoạn đầu là xây dựng lực lượng (2009-2014) và cải tạo thực địa (2015-2018). Trong đó, TQ gây áp lực đơn lẻ với từng nước và chỉ tập trung ở khu vực trung tâm biển Đông. Ở giai đoạn 3, TQ lại tăng cường tần suất và mở rộng quy mô của các hoạt động xâm lấn cùng lúc sang cả năm khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ), còn gọi là “vành đai EEZ”, của các nước láng giềng Đông Nam Á.
Đây cũng là “giai đoạn nước rút” của chính phủ TQ trước thời hạn kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) với ASEAN vào năm 2021. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ đã gián tiếp tạo nên các “khoảng trống quyền lực” trên biển Đông do hầu hết các nước đều đang tập trung chống dịch. Đây là hai nguyên nhân khiến TQ đẩy nhanh các hoạt động đơn phương phi pháp với tâm thế “thừa nước đục thả câu”.
Dĩ nhiên tư duy “nước rút” sẽ tạo nên điểm yếu, đó là nóng vội, từ đó gây nên những tính toán nhầm lẫn. Sự kiện tàu khảo sát HYDZ-8 đi dọc theo EEZ của Việt Nam (VN) để đến hoạt động ở khu vực EEZ của Indonesia, Malaysia và Brunei lúc này sẽ như một giọt nước tràn ly. Nó gián tiếp thúc đẩy các nước láng giềng Đông Nam Á thấy rõ đã đến lúc “tối lửa tắt đèn có nhau” - một kịch bản sẽ khiến TQ thêm khó khăn trên bàn đàm phán COC nói riêng và mặt trận pháp lý nói chung.
Hơn nữa, với các nền tảng hợp tác an ninh biển đã ký kết với Philippines (tháng 5-2018), Indonesia (tháng 6-2019), Malaysia (tháng 8-2019)... VN dường như đang kiện toàn mạng lưới liên lạc và hợp tác chấp pháp trên biển của riêng các nước ASEAN. Cùng với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020, VN hoàn toàn có đủ cơ sở tiến hành ba biện pháp như sau:
Thứ nhất, phối hợp với các nước thiết lập hồ sơ những vụ vi phạm của các tàu khảo sát hải dương, tàu chấp pháp và dân quân biển TQ trên các vùng biển liên quan đến “vành đai EEZ” của các nước ASEAN trên biển Đông. Song song đó, VN đẩy mạnh cùng các nước lưu hành công hàm phản đối các vi phạm của TQ trên Liên Hiệp Quốc.
Thứ hai, phát triển các sáng kiến về tuần tra chung trên biển Đông giữa lực lượng cảnh sát biển các nước ASEAN (như Malaysia, Philippines, Indonesia...) và cân nhắc sự tham gia mở rộng của các cường quốc bên ngoài dưới sự điều phối của ASEAN.
Thứ ba, củng cố và tăng cường hợp tác khai thác dầu khí và tài nguyên khác với các nước trong và ngoài khu vực (như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật…) ở các “vành đai EEZ” để gia tăng hiện diện lợi ích kinh tế của các cường quốc, từ đó nâng cao thế đối trọng và phản ứng quốc tế với các hành vi TQ xâm phạm “vành đai EEZ” này.
Với gói giải pháp trên, TQ càng xâm lấn trên biển Đông thì áp lực trên cả mặt trận tâm lý, pháp lý và truyền thông cho chính họ sẽ ngày càng lớn. TQ muốn duy trì phương châm “cường quốc có trách nhiệm” thì trước nhất phải ngừng ngay các hoạt động phi pháp để xây dựng lại từ đầu hình ảnh đó ở biển Đông.
(*) Tác giả hiện là nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) ĐH KHXH&NV TP.HCM