Biển Đông: Tìm cách xử lý quốc gia phớt lờ UNCLOS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UNCLOS năm 1982 ra đời sau chín năm đàm phán, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ. Công ước này được các bên đồng ý thông qua vào ngày 30-4-1982 và ngày 10-12-1982 được ấn định là ngày mở ký công ước tại Montego Bay, Jamaica.

Biển Đông: Tìm cách xử lý quốc gia phớt lờ UNCLOS ảnh 1
Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua. Trong ảnh: Một hạm đội hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu tham gia tập trận ở Biển Đông năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều nước xây dựng luật dựa trên UNCLOS

Trong các văn kiện pháp lý quốc tế được ký kết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, UNCLOS được coi là văn kiện đứng thứ hai về tầm quan trọng, chỉ sau Hiến chương Liên Hợp Quốc. Công ước này không chỉ bao gồm các điều khoản kế thừa từ các điều ước quốc tế trước đó về biển mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như những xu hướng phát triển mới trong thực tiễn sử dụng và khai thác biển và đại dương. Cho đến nay đã có 164 quốc gia thành viên. Số nước thành viên ban hành luật lệ quốc gia để nội luật hóa các quyền nghĩa vụ theo công ước ngày càng tăng.

UNCLOS đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp khung khổ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến biển và đại dương trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, UNCLOS đã thành lập ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tòa này bắt đầu được thành lập vào năm 1994 và chính thức hoạt động vào năm 1996. Kể từ đó tới nay, ITLOS đã giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp liên quan đến biển, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến phân định biên giới biển chồng lấn giữa các quốc gia ven biển láng giềng. Điển hình phải kể tới các vụ như tranh chấp phân định ranh giới biển giữa Bangladesh và Myanmar tại vịnh Bengal năm 2011; hoặc vụ tranh chấp phân định ranh giới biển giữa Ghana và Côte d’Ivoire trên biển Đại Tây Dương năm 2017…

Thêm nữa, nhiều vụ tranh chấp ranh giới biển khác do Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xét xử cũng sử dụng UNCLOS làm căn cứ để giải quyết tranh chấp giữa các bên. UNCLOS cũng xây dựng các khung khổ hoạt động hợp tác cho tất cả quốc gia trên thế giới dù có biển hay không có biển. Sự hợp tác này diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực từ hợp tác khai thác trên các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho đến khu vực đáy đại dương…

Vẫn còn thành viên thiếu trách nhiệm

Hạn chế của UNCLOS nằm ở việc tuân thủ UNCLOS của các quốc gia thành viên cũng như hiệu lực của UNCLOS đối với các thành viên. Một trường hợp cụ thể chúng ta đã thấy đó là vụ Philippines kiện Trung Quốc trước một tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Mặc dù vụ kiện hoàn toàn theo đúng các quy định của UNCLOS và Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc đã phớt lờ việc tham gia. Họ cũng không không đoái hoài đến việc chấp nhận và tuân thủ phán quyết mà Tòa trọng tài đã tuyên năm 2016.

Một giáo sư luật quốc tế đã nhận định: “Việc các quốc gia từ chối tham gia làm suy yếu quá trình giải quyết tranh chấp và đe dọa trực tiếp đến khả năng của UNCLOS trong việc cung cấp một khung khổ pháp lý ổn định cho biển và đại dương”. Vì vậy, làm thế nào để các quy định hay các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS khi được đưa ra thì tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải bình đẳng và tuân theo vẫn là một “bài toán” không dễ dàng, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết.•

Việt Nam nhất quán tuân thủ UNCLOS

Việt Nam là một trong chín quốc gia nằm trên bờ Biển Đông và là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký công ước tại Montego Bay. Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ra nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của UNCLOS và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.

Nghị quyết ngày 23-6-1994 của Quốc hội Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Việt Nam cũng có những nghĩa vụ đối với các quốc gia khác tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của công ước, trong những năm qua, Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định của công ước, tiến hành sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của công ước.

Ngày 21-6-2012, Việt Nam đã ban hành Luật Biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của UNCLOS vào pháp luật Việt Nam, tạo thuận lợi cho Nhà nước Việt Nam quản lý thống nhất về biển và phát triển nền kinh tế biển của Việt Nam. Đây cũng là một bằng chứng sống động thể hiện sự cam kết thực tế của Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của công ước.

 

ĐỖ THIỆN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm