Cả hai thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm của mình, động cơ chỉ là thích khám phá, muốn thể hiện để khoe thành tích trong giới hacker. Các em tỏ ra ăn năn, cam kết không tái phạm và xin được khoan hồng.
Còn nhớ cách đây 12 năm, cậu bé Lê Minh Trí đã tấn công website của Bộ GD&ĐT, gây ra một vụ ồn ào vào thời điểm đó.
Qua rất nhiều vụ hacker tấn công website với mục đích “thử tài”, nhiều bằng chứng cho thấy nhóm tấn công đều có cảnh báo trước nhưng dường như lời cảnh báo đã bị bỏ ngoài tai. Thật khó hiểu khi các cậu bé này có thể thực hiện kế hoạch trơn tru khi các cơ quan đều có trung tâm công nghệ thông tin với nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản.
Tháng 7-2016, tin tặc tấn công website Vietnam Airlines và màn hình hiển thị thông tin ở nhiều sân bay trong cả nước. Dư luận sục sôi, lo ngại cuộc tấn công có chủ đích. Những tưởng sau sự kiện ấy an ninh mạng sẽ được chú trọng hơn nhưng nửa năm sau, vấn đề bảo mật vẫn thể hiện chưa có bước tiến bộ.
Ở các nước, cách họ làm khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều hãng công nghệ lớn hằng năm tổ chức những cuộc thi cho hacker. Ai hack được hệ thống sẽ được thưởng và nhận vào làm việc. Đơn cử tháng 11-2016, Microsoft đã tổ chức sự kiện PwnFest cho các “hacker mũ trắng” trình diễn khả năng tấn công an ninh những chương trình có tính bảo mật cao. Hacker chiến thắng đã nhận được phần thưởng trị giá 144.000 USD.
Lẽ ra việc quản lý rủi ro đối với website của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam phải được thực hiện thường xuyên hơn. Trong đó không loại trừ việc “tận dụng” chính người tìm ra lỗ hổng của hệ thống để biến họ thành đồng minh. Các cậu bé hacker hôm nay có thể trở thành người hữu ích trong tương lai nếu được định hướng và đặt vào một môi trường phù hợp.