Trong chiến dịch “giải cứu vỉa hè”, chính quyền các quân-huyện, phường-xã đồng loạt ra quân vận động, tổ chức cưỡng chế phá bỏ các hạng mục, công trình lấn vỉa hè. Theo đó, toàn bộ các bậc tam cấp quy mô đến các bục dắt xe lấn vỉa hè vài tấc.
Một nhà dân trên đường Lãng Binh Thăng (quận 11) đã tự bắn phá bỏ bục dắt xe mà chính quyền địa phương thông báo: “lấn chiếm vỉa hè, phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế”. Ảnh: MP
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được rằng vì nhiều lý do, tình trạng nền nhà dân với mặt đường có độ vênh từ vài centimet đến hơn cả mét diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP.HCM.
Một thực tế khác là đời sống, sinh hoạt của người dân nước ta nói chung và ở TP.HCM nói riêng phụ thuộc rất lớn vào xe máy. Hằng ngày người dân phải dắt xe ra nhà - đi làm - chạy xe về - cất xe vào nhà.
Trong khi đó, khi yêu cầu phá bục dắt xe, người dân nêu thắc mắc về việc “làm sao vào nhà” thì được trả lời đại khái với ý rằng: “Cái đó các anh/chị tự tính”. Vì thế, khi phá bỏ bục dắt xe cố định, người dân đã tìm nhiều cách thích nghi.
Một trường hợp làm tấm dắt xe bằng sắt thay cho bục dắt xe bằng bê tông đã bị phá bỏ. Sợ trộm, họ còn mua xích, khóa để bảo vệ các bục dắt xe bằng sắt này. Ảnh: MP
Linh động hơn, có trường hợp làm tấm dứt bằng sắt gấp lại để giảm diện tích lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: MP
Hay làm bằng gỗ như thế này. Ảnh: MP
Hay chỉ bằng miếng gỗ nhỏ như thế này. Ảnh: MP
Song điều này vẫn không làm khá hơn tình trạng “lấn chiếm vỉa hè”. Lãnh đạo một quận đề nghị không nêu tên nhìn nhận với Pháp Luật TP.HCM: “Về bản chất, đây là một hình thức lấn chiếm kiểu mới. Biết là yêu cầu phá bỏ hết là cứng nhắc, song chúng tôi thiếu hướng dẫn, lại không dám làm sai chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường nên phải vận động người dân tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế”.
Theo vị này, đối với các trường hợp lấn chiếm quy mô thì phá bỏ là bình thường nhưng có những bục dắt xe chỉ nằm trên vỉa hè khoảng 20 cm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ nhưng giữ thì không xong, đập thì áy náy. “Mặt khác, việc xử lý hiện nay lợi bất cập hại. Bởi lẽ nhu cầu đi lại, dắt xe vào nhà là không thể chối bỏ nên người dân phải thực hiện nhiều cách khi phá bỏ bục dắt xe. Nhưng cách nào chăng nữa cũng đều là lấn chiếm, cho dù đó là các bục, bệ dắt xe di động. Trong khi việc làm tạm bợ này gây mất mỹ quan đô thị, làm gia tăng nguy hiểm cho người đi bộ. Nó còn gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi dắt xe ra/vào nhà. Vì vậy đề nghị UBND TP.HCM có hướng dẫn, chỉ đạo chung về việc xử lý các bục dắt xe này” - vị lãnh đạo này nói.