Thông tin gây khá bất ngờ và nhiều ý kiến băn khoăn về hai bồn hoa cổ gắn với công trình cổ này.
Trụ sở 164 Đồng Khởi vốn là công trình kiến trúc xưa, trên 100 năm tuổi, từng mang tên Bót Catinat.
Công trình này được xây dựng kiên cố vào năm 1881, làm Sở Thu thuế và đã trải qua một lần được trùng tu vào năm 1933, nằm trên con đường từng mang các tên đường: Đường số 16, Catinat, Tự Do và giờ là tên Đồng Khởi. Con đường “vàng” này chạy thẳng từ sông Sài Gòn lên đến nhà thờ Đức Bà.
Công trình này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Đến năm 1917, chính quyền thực dân Pháp bố trí cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát trung tâm sử dụng công trình này làm nơi bắt giữ, tra khảo những người yêu nước. Do nằm trên đường Catinat nên người dân thường gọi cơ quan này là “Bót Catinat”.
Sau năm 1954, Bót Catinat khét tiếng thời thực dân được chính quyền Sài Gòn sử dụng làm trụ sở Bộ Nội vụ. Sau năm 1975, tòa nhà 164 Đồng Khởi được sử dụng làm trụ sở của Sở Văn hóa và Thể thao.
Hai bồn hoa trước cổng trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao TP trước khi bị đập. Mỗi bồn hoa cao khoảng 0,5 m, bề ngang khoảng 1 m, chìa ra chiếm vỉa hè khoảng 0,4 m. Ảnh: Tư liệu
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóavà Thể thao TP, cho biết có một số người gọi là “cổ” vì họ thấy hai bồn hoa này có từ xưa rồi, khi tiếp nhận trụ sở này đã có. Tuy nhiên, sau khi nhận thông báo về việc chấp hành quy định liên quan đến vỉa hè, Sở đã xin thông tin từ các cơ quan quản lý, biết hai bồn hoa này vượt chỉ giới đường đỏ, cấm xây dựng, vượt 0,4 m. Các công trình khác trên đường Đồng Khởi cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt. Do đó mà Sở thực hiện dỡ bỏ hai bồn hoa này.
Hai bồn hoa đã được dỡ bỏ và trám xi măng lại. Ảnh: MINH PHONG
Riêng bia tưởng niệm cách bồn hoa khoảng 2 m thì hiện vẫn giữ lại.
Bia tưởng niệm và bồn hoa trước bia được giữ lại. Bia này được dựng nhiều năm trước để tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: M.PHONG
"Mặc dù có nhiều dấu tích về lịch sử nhưng công trình 164 Đồng Khởi không nằm trong danh sách di tích, di sản của TP.HCM" - ông Nam khẳng định.
Mặt khác, công trình này từ lâu cũng đã nằm trong danh sách khu vực sẽ bị phá bỏ để tái phát triển. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vào chỗ đất vàng này có một số trở ngại. Từng có nhà đầu tư xin đấu thầu nhưng sau đó xin trả lại “đất vàng”. Bởi lẽ, tuy đất vàng nhưng vị trí nằm gần các công trình kiến trúc cổ xưa như Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà... nên bị giới hạn về độ cao, chức năng kinh doanh. Vì vậy, tỉ suất sinh lợi của công trình tương lai tại khu đất vàng này khiến các nhà đầu tư cân nhắc.