Sài Gòn hơn 300 năm tuổi thì đường Đồng Khởi đã mang ngót nghét 2/3 lịch sử ấy. Do người Pháp xây vào thế kỷ 19, đường từng mang tên đường số 16, Catinat, Tự Do và giờ là Đồng Khởi. Trong phạm vi chỉ 630 thước, chạy thẳng từ sông Sài Gòn lên đến nhà thờ Đức Bà, thời Pháp thuộc gọi là “rue Catinat” in đầy dấu chân các tướng tá, chính trị gia, thương nhân, ngôi sao điện ảnh, văn sĩ, nhà báo.
Bót Catinat - tiền thân của 164 Đồng Khởi chiếm gần 10.000 m2 ngày nay vốn là 164 Catinat, là Sở Thu thuế, nằm ngay góc ngã tư với đường Taberd (Nguyễn Du). Khảo cứu niên giám của TS Nguyễn Đức Hiệp cho thấy địa chỉ này được ghi là “Recette locale” (thu thuế địa phương) trong các năm 1905-1906 và “Receveur spécial” (thu ngân đặc biệt) từ năm 1907-1911, từ năm 1912 trở đi là “Trésor public” (ngân khố, kho bạc). Đến năm 1917, khi kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ), chính quyền thực dân Pháp bố trí cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát Trung tâm sử dụng công trình này làm nơi bắt giữ, tra khảo những người yêu nước. Do nằm trên đường Catinat nên người dân thường gọi cơ quan này là “bót Catinat”.
Bót Catinat được xây dựng kiên cố vào năm 1881 và đã trải qua một lần được trùng tu vào năm 1933. Sau năm 1954, bót Catinat khét tiếng thời thực dân được chính quyền Sài Gòn sử dụng làm trụ sở Bộ Nội vụ. Sau năm 1975, bót Catinat, lúc này là tòa nhà 164 Đồng Khởi, được sử dụng làm trụ sở của Sở VH-TT&DL TP.HCM. Công trình này từ lâu cũng đã có mặt trong danh sách khu vực sẽ bị phá bỏ và tái phát triển.
“Kế bên thiên đàng có địa ngục”
Bót Catinat có căn hầm sâu dưới mặt đất, các xà lim lớn, nhỏ nơi mật thám Pháp giam giữ nhiều tù nhân chính trị. Nơi đây khét tiếng ác ôn, người bị tình nghi, khi bị bắt đều bị đưa vào đó để tra tấn, khai thác làm biên bản rồi giải qua Khám Lớn. Do nằm kế bên nhà thờ Ðức Bà nên người dân Sài Gòn gọi châm biếm: “Kế bên thiên đàng có địa ngục”.
Nhà văn quá cố, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết trong hồi ký: “Ông trời ở Catinat vuông vức, vì tù nhân ngó lên trên chỉ thấy một khoảng mây xanh vuông. Trời càng trưa, trong khám càng nóng dữ dội. Hơi nóng từ sân xi măng bốc lên hừng hực, 400 con người nép sát vào tường, tìm một miếng bóng mát mỏng manh, ba culoa đen nghẹt. Từ trong hai phòng công cộng 7 và 12, hơi người nồng gắt dội ra. Người ta nằm sấp như cá mòi trong đó, mồ hôi tuôn ra như tắm.
Trụ sở Sở VH-TT&DL TP từng là bót khét tiếng của mật thám Pháp, giam cầm và tra tấn nhiều tù nhân chính trị. Ảnh: HTD
Trời nắng cũng khổ mà trời mưa càng khổ hơn nữa. Sân khám không có nóc, mỗi lần mưa là tù nhân ướt như chuột. Nhất là ban đêm, khi mưa xuống ai cũng ngồi chụm đầu vào nhau mà chịu trận.
Những người khỏe mạnh thì gắng chịu đựng. Nhiều anh chị em còn đang thời kỳ lấy khẩu cung, mình mẩy thương tích lở lói, phải sống vất vả như vậy nên không hôm nào là không có người chết. Thực dân Pháp đã biến bót Catinat thành một lò sát sanh, nơi mà mạng sống con người bị coi như cỏ rác.
(...) Tiếng chuông nhà thờ Đức Bà khoan thai báo 10 giờ đêm. Không biết anh bạn tù nào cất giọng ngâm bài thơ của Hồ Hải, tôi còn nhớ, lẩm bẩm: “Catinat, Catinat/ Dã man, bỉ ổi, xót xa não nùng/ Hỡi ai dạ sắt lòng trung/ Đứng lên! Uất hận thấm dòng máu tươi/ Ngoài kia dưới ánh mặt trời/ Ngoài kia thành phố của người văn minh/ Cách nhau một bức tường thành/ Mà đây vẽ lấy vạn hình đau thương/ Catinat, một khám đường/ Mà sừng sững trước giáo đường Giêsu!””.
Hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì tả: “Bót nằm ngay ở đầu đường Catinat, con đường sang trọng nhất Sài Gòn, có nhiều cửa hàng cao cấp, những khách sạn lớn nhất. Ngay trước mặt là nhà thờ Đức Bà, lớn và đẹp nhất của thành phố. Không hiểu thực dân Pháp, chính xác hơn là mật thám Pháp nghĩ gì khi đặt bót Catinat ở đây? Trong đêm khuya, từ những phòng biệt giam, phòng tra tấn, sau những trận đòn dã man khủng khiếp của kẻ thù, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông nhà thờ Đức Bà, như muốn làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi! Thật mỉa mai thay!”.
Còn bà Thu Trang - Hoa hậu Việt Nam 1955, người từng tham gia hoạt động nội thành từ rất sớm, từng bị bắt, bị tra tấn dã man và giam giữ ở bót Catinat thì rùng mình nhớ lại: “Ngục trần gian Catinat. Câu ấy vang lên trong đầu càng làm tôi lạnh xương sống. (…) Và tôi bị lôi đi sang phòng kế bên. Chúng ra lệnh cho tôi cởi hết quần áo, rồi trói tôi trên một tấm ván dài, buộc một miếng giẻ trên miệng và lấy nước đổ từ từ vào hai lỗ mũi. Tên cò đứng cạnh đó. Hắn nhấn mạnh: “Nói thiệt đi, nếu không thì còn được đi máy bay nữa”. Tôi cảm thấy từng giọt nước chảy xuống mũi, xuống cổ ngột ngạt kinh khủng, cảm giác hết sức là tê dại, nghẹt thở. Tôi vẫy vùng và ú ớ vì miệng bị bịt.
Một lúc sau bụng tôi phùng lên, óc ách đầy nước, chúng nhìn tôi ra dấu gì tôi không rõ, mắt tôi mờ đi và thình lình tôi cảm thấy nước trào lên đau đớn cùng cực vì những cú đấm trên bụng. Tôi ngất đi và không rõ bao lâu tôi tỉnh lại, thấy mình nằm trên sàn gạch trần truồng và run lên vì lạnh, vì đau ê ẩm khắp người. Tôi khóc thành tiếng nức nở”.
Tổ hợp khách sạn hơn 7.000 tỉ đồng
Năm 2013, UBND TP.HCM đã duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỉ đồng, chiếm một nửa mức đầu tư này là chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời. Theo tính toán, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư khu đất này (sau khi trừ chi phí bồi thường thu hồi đất) sẽ giúp ngân sách TP thu về 1.600 tỉ đồng. Khi hoàn thành, công trình sẽ có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, văn hóa, văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm.
Trước dư luận luyến tiếc di sản bót Catinat, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch khu đất này. Theo điều chỉnh này, các chỉ tiêu bảo tồn di tích lịch sử bót Catinat, mảng xanh… được nới rộng hơn giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án hơn. Ở khu đất này, thành phố chỉ yêu cầu bảo tồn di tích bót Catinat theo hướng không phục dựng di tích mà chỉ lưu giữ hiện vật nếu có, xây dựng sa bàn, mô hình về Catinat, làm bia gắn bảng sự kiện di tích tại khu đất trên… Tuy nhiên, nhiều người vẫn mong số phận của bót Catinat chí ít cũng được như nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, một phần của nó được giữ lại như một di tích lịch sử, như ký ức của một thành phố trẻ. Theo KTS Nguyễn Trường Lưu: “Về kiến trúc có còn cái gì của bót Catinat ngày trước không? Nếu còn thì cái gì là đặc thù, nên giữ. Còn nếu không còn gì, mình muốn giữ cái gì đó để hoài niệm thì giữ như thế nào? Theo tôi, TP nên giao “đề bài” này cho nhà đầu tư ngay từ đầu và có thể xem đây như một điều kiện quan trọng của nhiệm vụ thiết kế”.
Cũng có ý kiến cho rằng với cảnh quan đầy những tòa nhà mới xây xung quanh, khi bảo tồn phải hài hòa với phát triển thì việc giữ lại cảnh quan xưa như thế nào sẽ là bài toán xử lý không gian rất khó cho kiến trúc sư.
Nhà đầu tư quay lưng Đầu tháng 3 năm nay, nhà đầu tư Hongkong Land và Sumitomo & Development đã xin trả lại dự án tại khu đất vàng 164 Đồng Khởi. Thông tin được xem là lạ và bất ngờ bởi trước đó khu đất vàng này đã thu hút gần 70 nhà đầu tư xếp hàng xin được tham gia, trong đó có không ít doanh nghiệp tiềm lực rất mạnh. TP đồng ý với đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc nhà đầu tư xin rút khỏi dự án, đồng thời giao sở này tham mưu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương chỉ định hai đơn vị thực hiện dự án tại khu đất này. Theo giới đầu tư, yếu tố thị trường bất động sản đóng băng, đặc biệt là phân khúc cho thuê văn phòng nên dự án này không còn đủ sức hấp dẫn, quyến rũ để nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào. Ngoài ra, mặc dù với vị trí vô cùng đắc địa, bên phải là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP và quảng trường..., dự án này lại gặp bất lợi về chiều cao và không có chức năng căn hộ kinh doanh. Tất cả yếu tố trên dẫn đến tỉ suất sinh lợi rất thấp, khả năng thu hồi vốn chậm nên nhà đầu tư cân nhắc trước khi xuống tay đổ núi tiền vào. |