Đường sá Sài Gòn thế kỷ 19

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường, trong năm 2014, TP đặt mục tiêu tăng thêm 397.000 m2 diện tích mặt đường với tổng chiều dài khoảng 45 km. Ít ai biết rằng cách nay 110 năm, Sài Gòn đã bắt đầu thử nghiệm trải nhựa cho hơn 8.000 m2 đầu tiên của đường Nationale, tức đường Hai Bà Trưng hiện nay.

Đường Nguyễn Huệ ngày nay gồm hai đường hai bên và kênh Chợ Vải (Pháp gọi là Grand Canal) ở giữa được lấp vào năm 1887. Ảnh của Charles Le Myre de Vilers, thống đốc dân sự đầu tiên của Nam kỳ. 

Giải tỏa làm đường

Trong những ngày này, đường Đồng Khởi được trang hoàng rực rỡ ánh đèn phục vụ lễ, tết. Đây là một trong những tuyến đường cổ xưa nhất Sài Gòn. Con đường này đi từ cửa Càn Nguyên (một trong tám cửa thành Bát Quái - đối chiếu với ngày nay thành nằm trong các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa - do Nguyễn Ánh cho xây vào năm 1790) xuống bờ sông Sài Gòn.

Đường Đồng Khởi ngày nay trước có tên là đường Catinat. Vào thời điểm trước và sau khi xây nhà thờ Đức Bà (1877), đường Catinat kéo dài cho đến đường Rue Des Deux Cimetières (nay là đường Võ Thị Sáu). Nhưng 20 năm sau, đường Catinat chỉ tính từ bờ sông Sài Gòn lên đến nhà thờ Đức Bà (như hiện nay) và đoạn còn lại đặt tên là Blancsubé (nay là Phạm Ngọc Thạch). Bây giờ, Đồng Khởi là một tuyến đường trung tâm của TP.HCM hiện đại có các điểm nhấn như Nhà hát TP, khách sạn Caravelle, Continental, khu thương mại Eden… Nhưng từ rất lâu, Catinat được coi là trung tâm khi đây là con đường đầu tiên Pháp cho chỉnh trang thành một đường phố của đô thị; theo đó, nhiều trục đường khác được làm mới song song với nó như Nationale (nay là Hai Bà Trưng), Hôpital (nay là Thái Văn Lung)…

Theo PGS-TS Trần Hữu Quang, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (tác giả cuốn sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu), ngay sau khi đánh chiếm thành Gia Định (tháng 2-1859), chính quyền quân quản Pháp đã cho mở một số tuyến đường song song và giao nhau theo góc vuông. Một mặt đường hướng vào sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè, mặt kia hướng về rạch Bến Nghé. “Một trong những con đường mà Pháp cho làm rất sớm là đường số 12 (rue No12). Đường này đã được nhiều lần đổi tên và đến nay là đường Thái Văn Lung” - PGS-TS Quang dẫn chứng.

Thời ấy còn hoang sơ nhưng việc mở và phóng đường đã buộc không ít cư dân phải di dời nhà và đến tận ngày nay, việc giải tỏa nhà dân vẫn được tiếp tục để hoàn thiện hệ thống đường giao thông, công trình công cộng theo quy hoạch.

Rải đá, đất nện rồi thảm nhựa

PGS-TS Quang cho hay trong thập niên 1860, lúc đầu các con đường được rải đá laterit hoặc đất nện nhưng sau đó phần lớn chúng được rải đá dăm. Đến đầu thập niên 1880, một số đường chính mới được lát đá. Nhiều nhân chứng kể lại, đường sá Sài Gòn năm 1872 tuy rộng nhưng do lát gạch nên gây ô nhiễm vì bụi bặm. “Đến ngày 22-2-1904, Sở Công chánh đã thử nghiệm trải nhựa trên một đoạn đường Nationale (đường Hai Bà Trưng ngày nay) với chiều dài 1.337 m, ngang 6 m. Loại nhựa được trải là hắc ín than đá, đưa từ Pháp sang” - ông Quang nói.

Việc thảm nhựa cũng được thử nghiệm ở đường Coloniale No 2 (nay là Đinh Tiên Hoàng). Đến năm 1916, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đồng ý cho rải nhựa ở đường Catinat bằng hắc ín trộn với sỏi nhỏ. Kể từ đây, dần dần các con đường ở Sài Gòn được tráng nhựa hết.

Vì sao đường Nationale được chọn để thử nghiệm trải nhựa đầu tiên? Có lẽ vì đây là một trong hai con đường huyết mạch của Sài Gòn. Con đường này ban đầu là đường số 14, sau đó đổi tên nhiều lần. Đến năm 1955 đổi thành Hai Bà Trưng và giữ luôn cho đến ngày nay. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, đường này cùng với đường Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) - vốn là con đường thiên lý - là hai con đường huyết mạch duy nhất nối liền Sài Gòn với bên ngoài. Trong đó, Nationale với độ dài 3 km là một trong những con đường dài nhất, đông xe cộ qua lại nhất. Cũng chính vì vậy mà có thời nó được đặt tên là Impériale, nghĩa là đường Đế Chế.

Đào và lấp kênh

TP.HCM nằm trong nhóm những địa phương có tỉ lệ kênh rạch cao của cả nước. Điều này có được bởi một phần thời Pháp đã cho đào nhiều tuyến kênh. Đầu tiên, vào năm 1862, một con kênh nối liền Chợ Lớn đến rạch Thị Nghè, nhằm tạo thành tuyến kênh bảo vệ vùng ốc đảo Sài Gòn - Chợ Lớn với chu vi 20 km được đào. Tuyến kênh dự định đào rộng 20 m, sâu 6 m. 40.000 nhân công đã được huy động, song đáng tiếc công trình phải ngưng khi còn dang dở.

Một số con kênh được người Pháp cho đào ở vùng thấp của Sài Gòn (gần sông Sài Gòn) nhưng sau đó đã được lấp lại để làm đường. Điển hình là đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay, con đường mà nhiều năm qua, TP đều cho tổ chức đường hoa để đón mừng năm mới. Trước năm 1859, đây là một con kênh mà người Việt gọi là kênh Chợ Vải. Vào thời điểm đó, chợ Bến Thành nằm bên bờ kênh này nên tàu bè, hàng hóa lên xuống tấp nập. Con kênh bị ô nhiễm trầm trọng nên người dân yêu cầu phải lấp. Một đoạn kênh từ đường Tôn Thất Hiệp đến Lê Thánh Tôn ngày nay được lấp trong thời gian từ năm 1865-1870. Việc lấp kênh đã gây ra sự tranh cãi quyết liệt và hơn 20 năm sau con kênh mới được quyết định cho lấp hoàn toàn. Nhiều tuyến đường lớn ngày nay như đại lộ Lê Lợi, Hàm Nghi, một phần đường Pasteur… cũng từng là những con kênh đào, rạch của TP.


Đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay từng là tuyến đường nối liền với con đường thiên lý đi miền Trung và miền Bắc, đồng thời nối với con đường thiên lý về hướng Campuchia. Chính vì sự quan trọng của nó mà có thời Pháp gọi là đường Route Stratégique, tức đường Chiến Lược. Sau nhiều lần đổi tên, tách nhập (với các đường Hùng Vương, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 ngày nay), đến năm 1991 đường được đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai.

Một trục đường khác, tính từ ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương (quận 1) đến Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5) ngày nay là đường Nguyễn Trãi, có thể coi là vết tích của con đường cái quan ngày xưa. Đường này một hướng nối với đường đi miền Trung, miền Bắc, một hướng đi về miền Tây Nam Bộ. Gần như song song với Nguyễn Trãi là đường Trần Hưng Đạo được đề cập mở mới, nối đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) đến khu Chợ Lớn, băng qua bãi đầm lầy ngăn cách giữa Sài Gòn với Chợ Lớn từ năm 1904. Qua nhiều tranh cãi, đến năm 1912 việc lấp đầm lầy và mở đường mới được thực hiện. Năm 1928, đường này được chỉnh trang rộng 15-20 m, rải đá và thảm nhựa và đến năm 1955 đường được đổi thành Trần Hưng Đạo như ngày nay.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm