Giao thông công cộng Sài Gòn thuở sơ khai

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mạng lưới giao thông của Sài Gòn ngày càng tỏa rộng và đa dạng. Dự kiến trong năm 2014, TP.HCM sẽ chọn thầu xây đoạn ngầm của tuyến tàu điện ngầm đầu tiên cho đô thị này. Theo PGS-TS Trần Hữu Quang, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, thuở sơ khai, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân trong suốt gần 20 năm từ đầu thập niên 1860 đến cuối 1880 vẫn là ghe xuồng, xe ngựa hoặc xe bò.

Giao thông công cộng Sài Gòn thuở sơ khai ảnh 1

Tuyến xe điện Sài Gòn - Gò Vấp đang chạy dọc theo đường Rue de l’Église (nay là Bùi Hữu Nghĩa) vào gần năm 1920. Ảnh tư liệu

Xe ngựa cũng bị giới hạn tốc độ, “ma men”

Chiếc xe ngựa với tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to một thời là hình ảnh quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Xe dùng để chở người hoặc vận chuyển hàng hóa. Xe ngựa còn được dùng trong những dịp đi thăm viếng, cưới xin.

Theo nhiều tài liệu, vào những năm đầu của thế kỷ XIX, người Pháp đã đưa vào Việt Nam những chiếc xe song mã sang trọng, kéo bốn bánh. Loại xe này xuất hiện khá nhiều ở Nam kỳ, đặc biệt là Sài Gòn. Một thời gian sau, người dân Nam Bộ chế lại thành xe một ngựa, bốn bánh, có nhiều công năng tiện ích, giá cả bình dân, phù hợp với nhiều người dân hơn. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Sài Gòn và một số vùng lân cận (như Bình Dương) mới xuất hiện loại xe một ngựa hai bánh lớn vừa chở người vừa chở hàng.

Chính vì sự tiện lợi này, năm 1871, người Pháp dự định lập tuyến xe ngựa chở khách, chạy tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn mà lúc đó họ gọi là omnibus. Nhưng 11 năm sau, một thương nhân mới được phép vận chuyển hành khách bằng xe ngựa trên tuyến này trong vòng 30 năm. Theo đó, cứ 15 phút có một chuyến khởi hành từ hai đầu bến và hoạt động từ 6 giờ đến 19 giờ. Họ còn đặt điều kiện tốc độ tối thiểu (10 km/giờ), giá cước (hai đến 15 xu, tùy quãng đường)…

Giai đoạn này xe ngựa phát triển mạnh ở Sài Gòn. Nếu năm 1868 chỉ có 84 chiếc thì năm 1895 đã có tới 220 chiếc và lên đến gần 450 chiếc vào năm 1990. Trên đường phố Sài Gòn lúc đó đan xen với xe ngựa là những chiếc xe bò. Do xảy ra một số vụ tai nạn vì xe ngựa phóng nhanh trên đường nên cuối năm 1861, Pháp cấm ngựa phi nước đại trên đường phố. Phu chạy xe ngựa hay xe bò không được ngồi trên xe khi vào nội đô. Ngoài ra, người say rượu bị cấm lên xe ngựa.

Giai đoạn đường sắt đô thị và xe điện

Do thiếu phương tiện đi lại, năm 1886, Pháp tiếp tục cho du nhập thêm xe kéo và 10 năm sau, xe đạp xuất hiện ở Sài Gòn. Tuy nhiên, người ta nhận ra nhu cầu đi lại không ngừng tăng cao, cần thiết phải có một phương thức khác phù hợp hơn.

PGS-TS Quang cho biết đoạn đường sắt ngắn chạy từ Sài Gòn vào Chợ Lớn chính là tuyến đường sắt đầu tiên của Nam kỳ. “Tháng 9-1873, một người Pháp tên Joyeux đề nghị được khai thác tuyến đường sắt tramway từ Sài Gòn vào Chợ Lớn nhưng không được chấp nhận” - PGS Quang kể. Tháng 12-1879, Pháp đồng ý cho hai thương gia khai thác tuyến tramway này bằng đầu máy hơi nước theo lộ trình: Sông Sài Gòn xuống rạch arroyo Chinois (nay là rạch Bến Nghé) rồi vòng lên route Haute (nay là đường Nguyễn Trãi) để vào Chợ Lớn. Hai thương gia trên đã kết hợp với hai nhà tư bản khác của Pháp để lập ra hãng SGTVC và nhanh chóng hoàn thành công trình. Ngày 27-12-1881, tuyến đường sắt đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên đã được khai trương.

Bên cạnh tramway chạy bằng đầu máy hơi nước, một kỹ sư công chánh tên Ferret cũng đề nghị khai thác tuyến đường sắt dành cho xe có ngựa kéo (tramway hippomobile). Ông đã lập ra hãng CFTI chỉ sử dụng ngựa kéo, khai thác cho cả tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn và Sài Gòn - Gò Vấp.

Việc sử dụng đầu máy hơi nước đã gây ra một số hệ lụy là “làm cho tất cả các ngôi nhà trên đường đi của nó nhuốm màu đen đúa, phải chịu đựng cảnh khói và mùi khó chịu…” nên khoảng cuối năm 1912, người ta bắt đầu thay thế chúng bằng các toa xe chạy bằng điện. Kể từ đây người dân gọi loại hình này là xe điện hay tàu điện.

Đến năm 1914, tuyến xe điện đi từ Sài Gòn qua Bến Thành, dọc theo đường Gallièni (nay là Trần Hưng Đạo) vào Chợ Lớn tiếp tục được khai trương. Khi việc thay thế các đầu máy điện hoàn thành, hệ thống tàu điện kết nối Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được hình thành một cách liên hoàn.


Năm 1903, Pháp nhập cảng Sài Gòn chiếc xe hơi đầu tiên. Do phố xá Sài Gòn lúc này đông đúc nên Pháp quy định vận tốc tối đa cho xe hơi là 12 km/giờ.

Trước đó, năm 1900, người ta đã đề nghị cho kinh doanh xe buýt chở hành khách vì loại hình này có giá cước rẻ hơn xe ngựa và xe kéo. Tuy nhiên, đến năm 1913, Sài Gòn mới bắt đầu có xe đò đầu tiên, chạy chặng Sài Gòn - Tây Ninh. Năm 1930, Sài Gòn, Chợ Lớn có các tuyến xe đò đi hầu hết các tỉnh Nam kỳ, Phan Thiết và đến cả Phnom Penh.

 

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm