Một biến thể COVID-19 mới vừa được phát hiện ở Nam Phi và ngày 26-11 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron.
Omicron nằm cùng mức “đáng lo ngại” như Delta
Ngày 26-11, các chuyên gia WHO họp đánh giá về biến thể mới Omicron – được cho có số lượng lớn đột biến trong chuỗi protein của virus SARS-CoV-2 giúp biến thể có khả năng lây lan mạnh. Dữ liệu chính xác về các rủi ro của biến thể Omicron có thể phải vài tuần nữa mới thu thập hết, tuy nhiên WHO dẫn nhiều diễn biến ban đầu và đánh giá rằng biến thể này có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch.
Hiện biến thể Omicron bị WHO xếp vào danh sách biến thể “đáng lo ngại” – cùng mức với biến thể Delta. Tuy nhiên hiện mức đe dọa của biến thể Omicron với sức khỏe công cộng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trước Omicron, biến thể Beta cũng bị WHO xem là biến thể “đáng lo ngại” nhưng sau đó thực tế cho thấy biến thể này không lan tràn rộng và gây nguy hiểm nhiều như lo ngại ban đầu.
Người dân Nam Phi được tiêm vaccine COVID-19 ở gần TP Johannesburg thuộc tỉnh Gauteng. Ảnh: AP
Dù thế WHO đề nghị các nước tăng cường giám sát đường đi của biến thể Omicron và nỗ lực giải trình tự bộ gen để hiểu rõ hơn tác động tiềm tàng của nó.
Các hãng vaccine nhanh chóng vào cuộc
Theo lời các chuyên gia y tế thì khả năng phải nhiều tuần nữa thế giới mới có được dữ liệu chính xác liệu biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện có như thế nào.
Tuy nhiên ngày 26-11 nhiều hãng phát triển, sản xuất vaccine đã lên tiếng trấn an rằng mình đã có kế hoạch đối phó, theo hãng tin AP.
Hãng dược Moderna (Mỹ) cho biết mình đã lên chiến lược 3 điểm để đối phó biến thể mới Omicron.
Các đột biến của biến thể Omircon có khả năng làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện tại, tuy nhiên khả năng lớn là sẽ không thể loại trừ được lợi ích của vaccine, theo TS Ashish Jha – Hiệu trưởng trường Y tế Công cộng ĐH Brown (Mỹ).
“Có một loạt đột biến ở các khu vực quan trọng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine của chúng ta. Nhưng liệu có làm cho vaccine trở nên vô dụng? Không. Điều này siêu khó xảy ra” – TS Jha viết trên Twitter ngày 26-11.
Trong chiến lược, Moderna vạch ra 3 phương án về tăng cường tiêm ngừa COVID-19. 3 phương án này, theo thông cáo báo chí mà Moderna thông báo ngày 26-11 là: tiêm thêm liều bổ sung mạnh hơn; liều mà hiện tại Moderna đang nghiên cứu để nhắm đến các đột biến có trong biến thể Omicron; và liều đặc biệt dành riêng nhắm mục tiêu biến thể Omicron – mà hiện Moderna đã bắt tay nghiên cứu.
Trên Twitter ngày 26-11, chuyên gia Andy Slavitt - từng là cố vấn cấp cao Nhà Trắng về phản ứng với COVID-19 cho biết cả Moderna và Pfizer/BioNTech ước chừng sẽ cần tầm 3 tháng để phát triển được một loại vaccine chống lại một biến thể mới. Chưa kể thời gian cần có để xử lý các vấn đề thủ tục xin phép cũng như hậu cần sau đó nữa.
“Nếu chúng ta bắt đầu vào đầu tháng 12, các vaccine mới có thể sẽ có mặt vào mùa hè ở hầu hết thế giới” – ông Slavitt viết trên Twitter.
Ngày 26-11, hàng loạt hãng truyền thông đưa tin rằng Pfizer/BioNTech đang nghiên cứu biến thể mới Omicron và dự kiến dữ liệu sẽ có trong vài tuần. Nếu tiến trình này được đảm bảo thì một loại vaccine nhắm mục tiêu biến thể Omicron có thể được phát triển trong vòng 6 tuần và xuất xưởng trong vòng 100 ngày.
Hãng Johnson & Johnson thì hiện đang thử nghiệm khả năng chống biến thể Omicron của vaccine hiện tại, theo kênh CNBC.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Ông đề nghị công dân Mỹ đi tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt.
Biến thể ‘đáng lo ngại’ Omicron đã xuất hiện ở những đâu? Theo thông báo từ WHO ngày 26-11 thì tỉ lệ lây nhiễm ở Nam Phi “đã tăng cao”, phù hợp với thời điểm phát hiện biến thể Omicron. Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên mà WHO được báo cáo là từ Nam Phi ngày 24-11. Rồi sau đó số ca nhiễm biến thể này xuất hiện ở hầu hết tất cả các tỉnh ở Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến thể Omicron lây lan nhanh ở tỉnh Gauteng – tỉnh đông dân nhất nước này. Biến thể Omicron cũng được phát hiện ở Botswana và Hong Kong từ những người trở về từ Nam Phi. Ngày 26-11, hàng loạt quốc gia đã và đang phản ứng bằng cách siết đi lại với Nam Phi và nhiều nước châu Phi như Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, Malawi. Nhiều nước - phần nhiều ở châu Âu (Đức, Ý, Anh, Hà Lan, CH Czech…) và Nhật đã phản ứng nhanh với thông tin về biến thể Omicron bằng cách hạn chế đường bay với nhiều nước châu Phi. Liên minh châu Âu (gồm 27 nước) cũng ra khuyến cáo nên ban hành lệnh cấm bay đến các nước nam châu Phi, dù WHO không ủng hộ và cho rằng đây là quyết định vội vàng. Phần mình, Nam Phi phản ứng gắt với quyết định siết đi lại từ các nước, liên quan biến thể Omicron. |