Biến thể phụ COVID-19: Cảnh giác cao nhưng không hoang mang

(PLO)- JN.1 lây lan nhanh, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vừa phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện trong tháng 12-2023 tại TP.HCM.

JN.1 là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “biến thể đáng quan tâm” và là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc, tử vong tại một số nước, trong đó có Thái Lan.

Xu hướng gia tăng

Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 18-12-2023 đến hết 22-1-2024, các bệnh viện (BV) của TP tiếp nhận 94 ca COVID-19 điều trị nội trú đến từ TP.HCM và một số tỉnh, TP khác.

Trong 94 bệnh nhân nội trú nói trên có 17 ca bệnh nặng phải thở ôxy và không có ca tử vong. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19.

Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để ngừa biến thể phụ JN.1 ở người mắc COVID-19
Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để ngừa biến thể phụ JN.1 ở người mắc COVID-19.
Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo Sở Y tế TP.HCM, kết quả giải mã trình tự gen ghi nhận có 12/16 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trong tháng 12-2023 (chiếm 75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1. Ngoài ra, có một ca nhiễm biến thể JN.1.1; hai ca BA.2.86.1 và một ca XDD.

“Dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong sáu tuần gần đây” - Sở Y tế cho biết.

419 là số ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, TP được ghi nhận trong hai tuần đầu năm 2024, tăng 2,4 lần so với hai tuần trước đó, không có trường hợp nặng.

Như vậy, biến thể phụ JN.1 cũng đã xuất hiện tại TP.HCM sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo đây là biến thể đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12-2023.

Hiện nay, WHO đang theo dõi năm biến thể cần quan tâm gồm XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12-2023, ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã được phát hiện tại TP.HCM.

Theo bản tin cập nhật hằng tháng của WHO vào ngày 19-1-2024, trong giai đoạn 28 ngày từ 11-12-2023 đến 7-1-2024, số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã tăng 4% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó với hơn 1,1 triệu ca mắc mới. WHO cảnh báo biến thể phụ JN.1 lưu hành nhiều nhất và hiện được 71 quốc gia báo cáo, chiếm khoảng 66% số trình tự được giải mã.

Theo WHO, JN.1 có những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép virus dễ dàng tấn công vào hệ miễn dịch, dễ lây truyền hơn, do đó đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu. Khảo sát của CDC Mỹ cho thấy vaccine ngừa COVID-19 hiện có, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị COVID-19 vẫn còn hiệu quả đối với JN.1.

Không nên hoang mang

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định biến thể phụ JN.1 có nguy cơ lây lan nhanh hơn các biến thể cũ nên số ca mắc có thể sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới.

P13_bien-the-phu_h2.jpg
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Mặc dù có sự gia tăng của JN.1 trên thế giới nhưng chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Vì thế, nguy cơ chuyển nặng của biến thể phụ JN.1 thấp. Với người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, nguy cơ gây bệnh nặng cũng rất thấp” - BS Dũng cho biết.

Theo BS Dũng, đa số nhà khoa học nhận định tất cả biến chủng hiện nay đều gây ra các triệu chứng bệnh COVID-19 tương tự nhau, mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch và trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không).

Khi mắc biến thể phụ JN.1, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, mệt, nhức đầu, đau cơ, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất mùi, khó thở.

Hiện nay COVID-19 đã chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Vì thế, BS Dũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo ngại, phòng, chống COVID-19 nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tết Nguyên đán gần kề, nếu có kế hoạch di chuyển, đừng vì sợ COVID-19 mà để ảnh hưởng đến kế hoạch. Người dân chỉ cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây bệnh đường hô hấp, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh lây lan cho cộng đồng” - BS Dũng khuyên.

Nguy cơ gia tăng dịp Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề, việc giao lưu, đi lại sẽ tăng cao có thể gây nguy cơ gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện do COVID-19.

Để phòng, chống COVID-19, người dân nên tiêm đầy đủ vaccine, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền…).

Cạnh đó, nên hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết, đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng khoa Y tế công cộng
Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm