Sáng 24-1, tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo về việc phát hiện biến thể phụ JN.1 ở người mắc COVID-19.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Lê Hồng Nga cho biết qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12-2023 trên địa bàn.
Tiến trình phát hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 do nhóm giám sát bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện vào tháng 12-2023 từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân mắc COVID-19.
Cụ thể, ghi nhận 12 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1. Ngoài ra, có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca BA.2.86.1 và 1 ca XDD. Đáng lo ngại, số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong 6 tuần gần đây.
“Ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn theo dõi sát các ca bệnh COVID-19 nhập viện” - bà Nga nói.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Tổ chức Y tế thế giới phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm là biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
“Biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số mắc có dấu hiệu tăng. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng” - ông Đức nói.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, năm 2023 cả nước ghi nhận 99.000 ca mắc COVID-19, không có trường hợp nào tử vong.
Còn trong 2 tuần đầu năm 2024, ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc COVID-19 tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện do COVID-19 tăng nhưng không có trường hợp nặng.